Một số đặc trưng cơ bản

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:32 - Chia sẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có vài chục nước trên thế giới ban hành văn bản pháp luật trong lĩnh vực này. Có thể thấy, dù nhận thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư cũng như bảo vệ dữ liệu trong kỷ nguyên số, đây không phải là vấn đề có thể được quy định ngay trong luật quốc gia. Nhiều nước vẫn còn đang khá dè dặt và chỉ đề cập đến thông qua các luật khác, hay thậm chí là các chính sách. Nghiên cứu các văn bản pháp luật của các nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho thấy 6 vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, có 3 xu hướng lập pháp chính trong bảo vệ thông tin cá nhân:

- Quy định rải rác tại nhiều văn bản chuyên ngành như: Tài chính, ngân hàng, viễn thông. Đại diện tiêu biểu cho xu hướng này là Mỹ.

- Có văn bản chuyên biệt quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân. Đại diện tiêu biểu cho xu hướng này là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

- Kết hợp cả hai hướng trên: Đại diện tiêu biểu cho xu hướng này là các nước châu Á như: Nhật Bản, Malaysia….

Thứ hai, các nước đều tương đối nhất quán trong việc định nghĩa thông tin cá nhân là “thông tin đủ để trực tiếp hoặc gián tiếp xác định chính xác một cá nhân cụ thể” (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Malaysia…).

Thứ ba, đối tượng chính mà các văn bản luật điều chỉnh bao gồm: Chủ thể thông tin cá nhân và tổ chức thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Văn bản của một số nước đã giới hạn đối tượng điều chỉnh là các doanh nghiệp, tổ chức thu thập, sử dụng thông tin cá nhân phục vụ mục đích thương mại, kinh doanh, không bao gồm các cơ quan nhà nước (Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc). Văn bản của EU loại trừ thêm trường hợp xử lý thông tin cá nhân chỉ phục vụ hoạt động cá nhân.

Thứ tư, các nước đều tương đối nhất quán trong việc xác định các hành vi và quy phạm để điều chỉnh hành vi trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân gồm: Thu thập, cập nhật, sử dụng, lưu trữ, truyền đưa, cung cấp, chia sẻ, phát tán và gọi chung là xử lý (process hoặc handle).

Thứ năm, một số nước có quy định cơ chế tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân và coi đây là một trong những trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ: Nhật Bản).

Thứ sáu, một số nước đưa ra biện pháp yêu cầu các tổ chức xử lý thông tin cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước (Malaysia) và đặt vấn đề truyền đưa thông tin cá nhân qua biên giới (EU, Malaysia).

Quỳnh Vũ