Ngân hàng rác thải trong trường học

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 07:05 - Chia sẻ
Trường Trung học Cơ sở Sekolah Alam Lampung (SAL - một trường sinh thái ở Indonesia) đã chọn phương pháp học tập dựa trên dự án thực tế (PBL) làm phương pháp học tập chính của mình. Trước vấn nạn rác thải đe dọa môi trường của Indonesia, với nỗ lực giảm thiểu rác thải trong môi trường trường học, đặc biệt là giấy và nhựa, vào năm 2019, nhà trường đã đưa ra dự án “Ngân hàng Rác thải trong trường học” như một phần của kế hoạch học tập.
	Học sinh thu gom rấc tại trường SAL
Học sinh thu gom rấc tại trường SAL

Dự án Ngân hàng Rác thải trong trường học được đặt làm dự án môi trường - tinh thần chính trong chương trình hoạt động, theo đó, một ngân hàng “đổi rác” được thành lập. Mọi học sinh, giáo viên và nhân viên của nhà trường phải trở thành “khách hàng” của ngân hàng rác. Những “khách hàng” này không chỉ thu gom rác trong khuôn viên của trường học, mà có thể mang rác từ nhà của họ tới trường để trao đổi với ngân hàng. Ngân hàng thu gom rác để tái chế biến thành các sản phẩm hữu dụng thân thiện với môi trường hoặc bán cho các nhà máy tái chế. Nhiều loại rác thải phi hữu cơ khác nhau đã được chế biến thành hàng hóa hữu ích, chẳng hạn như chai nhựa, túi nilon được tái chế thành gạch sinh thái, bao bì nhựa được chế biến thành túi đựng và các loại hàng hóa khác có thể bán và mang lại lợi ích kinh tế.

Mô hình Ngân hàng Rác thải trong trường học không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải từ trường học và hộ gia đình mà còn giúp học sinh có được một khoản tiết kiệm cho chính mình. Bởi khi mang rác đến ngân hàng trao đổi, học sinh trong trường sẽ được nhận lại một khoản tiền được định giá dựa trên phí mua thu rác. Khoản tiền này có thể là tiền mặt để giúp học sinh trang trải học phí, cũng có khi được trả dưới dạng văn phòng phẩm phục vụ nhu cầu học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rác thải nhựa, chương trình của Trường SAL cũng ra quy định cấm các cá nhân trong trường, bao gồm cả giáo viên và học sinh sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như cốc uống cà phê, ống hút nhựa, dao nĩa nhựa, hộp đựng thức ăn…

Để tiết kiệm giấy thì nhà trường khuyến khích sử dụng cả hai mặt của giấy khi in ấn tài liệu, tăng cường số hóa trong nhà trường để thúc đẩy một môi trường không giấy tờ (chẳng hạn như việc phát tài liệu sẽ được gửi qua email và các công cụ công nghệ khác thay vì phát tài liệu giấy như trước kia)…

Nhà trường cũng lập các loại thùng rác khác nhau để phân loại rác, chẳng hạn rác là giấy được phân loại riêng, nhựa có thùng rác riêng, các loại lon kim loại có thùng rác riêng và một thùng rác cho rác hữu cơ. Cùng với đó, Nhà trường đưa ra khẩu hiệu PUSAT (Gom rác trong tầm mắt). Mọi người trong trường học được yêu cầu bỏ rác vào các thùng thích hợp bất kể khi nào họ nhìn thấy rác.

Nhà trường cũng khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên trong việc sử dụng giấy đã qua sử dụng và rác thải nhựa làm nguyên liệu chính cho các công cụ giáo dục.

Sau một thời gian áp dụng, các cộng đồng dân cư xung quanh trường nhận thấy rằng trường đã thành công hơn trong việc quản lý rác thải và họ cũng muốn có được những lợi ích tương tự. Vì vậy, Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ tổ chức các cuộc hội thảo về quản lý rác thải sinh hoạt cho người dân xung quanh trường và truyền bá đến các cộng đồng khác ở xa trường.

Một cách kỳ diệu, ngân hàng rác thải trong trường học không chỉ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt mà còn trở thành một trong những nguồn tiết kiệm tiền cho “khách hàng” của mình, và rác thải hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ, nước lau sàn, xà phòng rửa tay và những thứ khác có thể được bán hoặc sử dụng cho chính họ. Ngày nay, các cuộc hội thảo của trường không chỉ xoay quanh ngân hàng rác thải mà còn về công nghệ hay quy trình sản xuất phân bón hữu cơ, nước rửa tay, nước lau sàn và trồng trọt hữu cơ.

Đạt Quốc