Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững - từ góc độ cơ quan dân cử địa phương

Bài 4: “Tai mắt” để đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:21 - Chia sẻ
Để có thể đồng hành, giám sát và thúc đẩy UBND hành động mạnh mẽ nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát biểu bền vững, đại biểu, cơ quan dân cử rất cần thêm những “tai mắt”. Đó chính là việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân - một kênh thông tin quan trọng để đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này. Sự ủng hộ, cùng hành động của cử tri và Nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trên con đường chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững hiện nay.

Mối quan tâm, bức xúc nổi cộm của cử tri

Không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền, bảo vệ môi trưởng để bảo đảm sự phát triển bền vững luôn là vấn đề cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Minh chứng cụ thể là trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử, những bức xúc, những vấn đề đặt ra trong bảo vệ tài nguyên và môi trường sống trong lành cho người dân luôn là nội dung cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị, bức xúc. Điển hình, tại các cuộc TXCT vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri hầu hết các địa phương đều bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm môi trường trên địa bàn; đồng thời, kỳ vọng rất lớn vào việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu và cơ quan dân cử địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của từng địa phương cũng như của quốc gia, dân tộc.

Điển hình, vấn đề mong mỏi nhất của cử tri thành phố Đà Nẵng là có một môi trường sống trong lành, không ô nhiễm rác thải, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, không khí trong lành, bờ biển xanh sạch… Vì vậy, cử tri kiến nghị nhiều về việc xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, vận hành hiệu quả và tổ chức lại phương thức thu gom rác, chấm dứt tình trạng vận chuyển rác ô nhiễm môi trường hiện nay; vấn đề nước thải ô nhiễm môi trường biển; việc di dời các nhà máy, doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư…

Quan tâm và trăn trở trước tình trạng, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là rác thải, nước thải bẩn; việc thu gom, phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, rác thải nhựa, túi ni lông vẫn sử dụng bừa bãi… đông đảo cử tri Hà Tĩnh tha thiết mong muốn các cấp, các ngành có biện pháp giải quyết, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, cơ sở chế biến thực phẩm. Đồng thời, tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cử tri Quảng Trị thì phản ánh tình trạng các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời trên địa bàn gây ô nhiễm nguồn nước và sức khỏe của người dân; diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn, gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống; các lòng hồ trong khu vực cạn kiệt. Lo lắng trước thực trạng này, cử tri kiến nghị tỉnh bên cạnh cho đầu tư xây dựng các công trình điện gió, điện năng lượng mặt trời, cần có chính sách tái khôi phục môi trường, trồng rừng, khôi phục hiện trạng các hồ chứa... để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương…

Một hội nghị trực tuyến tham vấn Nhân dân của Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ảnh: Thanh Hà 

Tăng cường tham vấn ý kiến Nhân dân

Thực tế, các vụ việc về ô nhiễm môi trường được phát hiện thời gian qua phần lớn từ phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Vì vậy, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân chính là một kênh thông tin quan trọng, là “tai mắt” để đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này. Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, của mạng xã hội hiện nay, có vô vàn phương thức để đại biểu tăng cường mối liên hệ, lắng nghe, thu thập thông tin từ cử tri… Như thông qua điện thoại, mạng xã hội hoặc liên hệ trực tiếp.

Tuy nhiên, để cử tri theo dõi, giám sát và có những kiến nghị sát trúng, đại biểu cũng cần có thông tin và các phương thức đưa thông tin đến được với cử tri và Nhân dân kịp thời, đầy đủ, chính xác, tránh các dạng kiến nghị kiểu mơ hồ “nghe nói” hoặc là “như tôi được biết”. Đại biểu cũng cần làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt chính sách pháp luật, bên cạnh truyền tải tới cử tri các thông tin chính thống, cũng cần định hướng, phân tích làm rõ cho cử tri các thông tin “xấu”, “độc” để cử tri có cái nhìn toàn diện, khách quan và chính xác về các vấn đề mình quan tâm. Từ đó, có các kiến nghị xác đáng, hỗ trợ đắc lực cho đại biểu hoàn thành sứ mệnh người đại diện của mình. Hiện nay, một số đại biểu dân cử cũng đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thiết lập các nhóm đại biểu với cử tri, vừa nắm bắt vừa cung cấp thông tin. Đây cũng là cách làm hay trong ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Ngoài TXCT, liên hệ cử tri, việc tổ chức tham vấn ý kiến cử tri về nội dung HĐND sẽ xem xét quyết định thông qua gặp gỡ trực tiếp, khảo sát xã hội học, TXCT theo chuyên đề là một cách hay. Ở đó, đại biểu cung cấp thông tin cho cử tri, sau đó cử tri có ý kiến, kiến nghị. Các vấn đề về môi trường, đất đai… luôn là lĩnh vực “nóng”, cử tri rất quan tâm và chắc chắn đại biểu dân cử sẽ tiếp thu được nhiều thông tin và kiến nghị rõ ràng, có địa chỉ. Ngoài ra, cơ quan dân cử cần giám sát UBND trong thực hiện lấy ý kiến cử tri và Nhân dân về các nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với công trình dự án… Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc xem cơ quan chấp hành đã thực hiện tốt việc công khai các nội dung để dân biết hay chưa. Giám sát và công khai việc giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến các quyết sách về bảo vệ môi trường mà cử tri đã phản ánh kịp thời cũng là một cách để cử tri nắm rõ thông tin và cảm thấy được tôn trọng.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH