Kiểm soát đặc biệt cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Bài cuối: Chưa rõ biện pháp nào

- Thứ Ba, 28/11/2017, 08:19 - Chia sẻ
Điểm chưa được của Đề án là chưa thể hiện rõ cách thức kiểm soát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ĐẬU ANH TUẤN nhận xét. “Đọc Đề án, doanh nghiệp không rõ được rằng mình sẽ phải áp dụng những biện pháp kiểm soát nào, có tốn kém chi phí không, có phải dừng sản xuất kinh doanh không, có gây khó khăn nào không?”.

>> Bài 1: Động thái tích cực

Nên mở rộng tiêu chí chấm điểm

- Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

- Sau sự cố Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thận trọng hơn rất nhiều trong việc kiểm soát các nguy cơ gây ra sự cố môi trường quy mô lớn. Đây có thể là một trong những động thái nhằm mục đích trên.

Nếu để xảy ra sự cố môi trường quy mô lớn thì tác động sẽ rất khủng khiếp, không chỉ dừng lại ở sức khỏe của người dân mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề. Theo Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI năm 2016, có đến 67,6% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, trong đó có 22,9% cho rằng bị ảnh hưởng ở mức rất nhiều hoặc khá nhiều. Trong năm 2016, tỷ lệ này đặc biệt cao ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - là những nơi chịu ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. Vậy nên, không chỉ người dân, mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng rất lo lắng về việc liệu có thể xảy ra những sự cố môi trường quy mô lớn nữa hay không.

- Đề án này đưa ra 28 dự án bị kiểm soát đặc biệt, theo ông con số đó đã phù hợp chưa?

- Rất khó để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 28 dự án này không phải là những dự án gây ô nhiễm môi trường, mà là 28 dự án có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Tức là có những dự án tính đến thời điểm hiện tại là hoàn toàn “sạch”, nhưng nếu xảy ra sự cố thì có thể sẽ gây những tác động môi trường lớn. Mà sự cố môi trường thì có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân, như sai sót trong thao tác của công nhân, sự cố điện, cháy rồi lan sang môi trường, hoặc có thể xuất phát từ lý do thiên tai, lũ lụt. Do đó, rất khó để có thể tiên đoán được là sự cố môi trường sẽ diễn ra ở dự án nào.

Việc Đề án kiểm soát đặc biệt xác định 28 dự án này dựa trên cách chấm điểm nguy cơ rủi ro môi trường theo tôi là khá khoa học và khách quan, tránh tình trạng quản lý theo kiểu “nhắm mắt bốc thuốc” như trước đây. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn có thể làm tốt hơn nếu các tiêu chí đầu vào được sử dụng để chấm điểm mở rộng hơn nữa, bao gồm cả yếu tố lịch sử tuân thủ pháp luật của các bên có liên quan đối với các dự án. Điều này không chỉ giúp xác định nguy cơ tốt hơn mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật môi trường hơn, vì sẽ tránh cho họ phải rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt.

Chưa rõ cách thức kiểm soát

- Theo ông, tiêu chí và cách thức kiểm soát của đề án có phù hợp và đem lại hiệu quả không?

- Về tiêu chí thì tôi đã đề cập ở trên, chúng ta có thể làm tốt hơn nếu bổ sung các tiêu chí về lịch sử tuân thủ pháp luật của các bên liên quan.

Về cách thức kiểm soát, hiện tại Đề án vẫn chưa được thể hiện rõ, và đây là một điểm chưa được. Đọc đề án, các doanh nghiệp không rõ rằng mình sẽ bị áp dụng những biện pháp kiểm soát nào, có tốn kém chi phí không, có phải dừng sản xuất kinh doanh không, có gây khó khăn nào không? Dường như Đề án đang được thiết kế theo hướng rằng mỗi dự án khác nhau sẽ có những biện pháp kiểm soát khác nhau. Về mặt kỹ thuật thì đúng như vậy, tuy nhiên, ít nhất thì Đề án cũng nên nêu sơ lược một số biện pháp có thể sẽ được áp dụng và những nguyên tắc chung khi áp dụng những biện pháp đó. Ví dụ, có thể bổ sung nguyên tắc rằng nếu chi phí để áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt sẽ do Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ. Hoặc cần có nguyên tắc rằng việc áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát phải không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Chúng ta cẩn trọng những vấn đề môi trường, nhưng cũng không được quên rằng việc can thiệp vào một dự án đã cấp phép như vậy có thể gây ra những chi phí rất lớn và có thể khiến dự án đó không còn kinh doanh hiệu quả. Giả sử như các biện pháp được áp dụng có chi phí lớn đến mức một dự án không thể tiếp tục hoạt động nữa thì hệ quả xã hội, môi trường có thể còn lớn hơn nhiều.

- Có ý kiến cho rằng, từ câu chuyện này sẽ đặt ra tiền lệ cho các dự án tiếp theo nhưng thay vì kiểm soát đặc biệt thì tại sao chúng ta không kiểm soát chặt ngay từ khâu đầu vào phê duyệt dự án. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng ta đã có nhiều biện pháp kiểm soát ngay từ khâu đầu vào và tôi biết nhiều dự án trong số 28 dự án này đã được kiểm soát đầu vào rất tốt. Tôi lưu ý lại rằng kiểm soát đặc biệt là biện pháp phòng ngừa rủi ro, chứ không phải là biện pháp mang tính chế tài xử lý những cơ sở đã gây ô nhiễm. Do đó, tôi không cho rằng kiểm soát đặc biệt là vấn đề gì đó cần phải tránh. Tôi biết nhiều nước trên thế giới cũng có những biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với những cơ sở có nguy cơ sự cố môi trường. Ví dụ như một nhà máy điện hạt nhân được xây dựng rất tốt, không hề có rò rỉ phóng xạ trong điều kiện vận hành bình thường, nhưng nhà máy đó vẫn cần được kiểm soát đặc biệt vì nếu có sự cố xảy ra thì tác động sẽ rất khủng khiếp.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quỳnh thực hiện