Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - thách thức từ cuộc đấu tranh, phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay

Bài cuối: Bảo đảm thống nhất tư tưởng - lý luận - thực tiễn

- Thứ Tư, 16/12/2020, 07:07 - Chia sẻ

Loại công việc nổi bật và cấp bách thứ tư cần được tiếp tục giải quyết đồng bộ và thống nhất trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, đó là cơ chế vận hành phát triển và đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Phối hợp đồng bộ, thống nhất các binh chủng tư tưởng, lý luận 

Theo chức năng, phân định một cách độc lập tương đối trong chỉnh thể, công tác tư tưởng, lý luận là người đi tiên phong đồng thời cũng là người về sau cùng. Nói cách khác, là người mở đường về tư tưởng đồng thời là người tổng kết về kinh nghiệm, phát triển lý luận hợp thành tổng thể công tác tư tưởng, lý luận. Đây là công việc rất to lớn, nặng nề.        

Khoa học chính trị làm rường cột cùng với các khoa học liên ngành khác (khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học nông nghiệp…) hợp thành chỉnh thể công tác tư tưởng, lý luận, tham mưu và tham gia hoạch định những quyết sách chính trị chung và trên từng lĩnh vực. Cùng với nghiên cứu cơ bản, hết sức coi trọng nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai; qua đó sơ kết, tổng kết, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường XHCN Việt Nam. 

Cần nhấn mạnh ở đây, việc nghiên cứu cơ bản phải được tổ chức thật sự hệ thống và thật sự xứng tầm; đồng thời chủ động tổng kết thực tiễn, không ngừng phát triển lý luận là mục tiêu hoạch định đường lối chính trị của Đảng và những quyết sách chính trị khác. Vì, nếu không như vậy, rất dễ phạm sai lầm trên những phương diện, những vấn đề cụ thể; càng rất khó khăn trong việc tổng kết, phát triển và đấu tranh một cách chủ động, hiệu quả, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.   

Bảo đảm sự thống nhất giữa tư tưởng - lý luận - và thực tiễn mang tính chỉnh thể; kết hợp chẽ công tác tuyên truyền, cổ động với nghiên cứu tổng kết, phát triển lý luận nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, sự đột phá, sáng tạo về lý luận bằng tổ chức thực tiễn và tổng kết thực tiễn; tăng cường đối thoại một cách dân chủ và cầu thị. Lúc này, hơn lúc nào hết, một bước tiến của thực tiễn đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội có giá trị đặc biệt trong việc phát triển tư tưởng, lý luận, bảo vệ trực tiếp nền tảng tư tưởng và thực tiễn đổi mới; phát triển và làm phong phú kho tàng của chủ nghĩa xã hội nói riêng, chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.   

Phối hợp đồng bộ, thống nhất các binh chủng tư tưởng, lý luận, theo chức năng, nhiệm vụ giữa nhà trường - học viện với báo chí truyền thông, cơ quan nghiên cứu lý luận, các ngành, địa phương và tham chiếu mạng xã hội để hoạch định những công việc lớn, dành sự ưu tiên thích đáng một cách toàn diện. 

Loại công việc thứ năm, đó là hợp tác quốc tế và tham chiếu phát triển tư tưởng, lý luận. Tư tưởng, lý luận tự nó không có biên giới. Trong thế giới phẳng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát triển của mạng xã hội trên nền tảng intenet hiện nay, mọi sự hạn chế không gian về tư tưởng, lý luận đều trở nên chật hẹp, bị dỡ bỏ và san phẳng, dù muốn hay không. Theo đó, công tác tư tưởng, lý luận đang đối diện với những thời cơ, thuận lợi, đồng thời là những nguy cơ, thách thức mới chưa bao giờ có: bão tố thông tin mạnh mẽ và sự chia sẻ thông tin, chiến tranh không gian mạng trên mọi lĩnh vực, xung đột và khủng bố tư tưởng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan vùng dậy, chủ nghĩa dân túy tái sinh và bành trướng, khuynh đảo chính trị, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy dưới mọi hình thức…  

Phương châm chung là phải chủ động và cầu thị nắm lấy và giải quyết toàn bộ điều đó, để mở rộng mọi con đường và mức độ phát triển và bảo vệ tư tưởng, lý luận một cách đa diện, phong phú, hiệu quả và thiết thực của chúng ta. Trước hết, chú trọng hợp tác song phương, dưới mọi quy mô và hình thức trao đổi, tham chiếu về tư tưởng, lý luận. Cổ vũ và nhân lên những hình thức song phương chính là phát triển đa phương một cách chủ động và hiệu quả, nhất là những vấn đề nghiên cứu lý luận cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở mọi cấp độ. Kết hợp chặt chẽ hợp tác song phương với hợp tác đa phương, dưới quy mô và hình thức phù hợp, nhằm tập trung nghiên cứu, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản, nhất là những vấn đề chúng ta còn thiếu, còn đang bỏ ngỏ. Cầu thị nhưng không ảo tưởng, không huyễn hoặc hay rụt rè, co thủ, càng không kỳ thị, xa lánh… bảo đảm việc hợp tác, tham chiếu tư tưởng, lý luận thật sự ngang tầm, cụ thể và thiết thực.

Tham chiếu, hành xử theo luật pháp và thông lệ quốc tế

Và loại công việc cuối cùng, đó là tham chiếu định chế và thực thi nghiêm chế tài nhằm bảo vệ và phát triển tư tưởng, lý luận XHCN. Tự do, dân chủ và đối thoại là động lực phát triển của tư tưởng, lý luận. Nhưng, nó sẽ trở thành phản động lực khi nhân danh cá nhân, lợi dụng nhân quyền để sử dụng tự do, dân chủ nhằm xâm phạm tự do, dân chủ về tư tưởng, nhằm bôi nhọ, xúc phạm người khác; nhân danh đối thoại dân chủ lý luận để công kích, bôi nhọ lý luận gia, chính trị gia và xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, dưới mọi hình thức, mọi môi trường, mọi mức độ. Tự do báo chí, tự do intenet, dân chủ mạng xã hội không có nghĩa là tự do tuyệt đối, dân chủ vô giới hạn. Tất cả đều được hành xử theo luật pháp và thông lệ quốc tế một cách kiên quyết, không ngoại lệ, không miễn trừ một ai, một tổ chức nào. 

Từ châu Á tới châu Âu - nơi các thiết chế vốn tự coi là dân chủ nhất đối với báo chí hay các phương tiện truyền thông khác như: mạng xã hội, nạn tin giả, tin thất thiệt - rất nhiều nước phải vào cuộc bằng những chế tài thật nghiêm khắc. Mới đây, tháng 3.2017, Bản báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được công bố, có 42/57 quốc gia tham gia tổ chức này đã hình sự hóa tội tung tin giả bôi nhọ thanh danh và sỉ nhục cá nhân. Phạt tù là hình thức được áp dụng nhiều nhất, sau đó là phạt tiền, lao động công ích và tước bỏ các quyền chính trị. Tại Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, nhận xét trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại Mỹ, đầu tháng 9.2016, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ Hilary Clinton… Các hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng.   

Ở những đất nước theo chế độ quân chủ lập hiến, việc tung tin đồn thất thiệt bôi nhọ và xúc phạm các thành viên hoàng tộc, phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc. Tại Kuwait, bất kỳ hành động phê phán người đứng đầu đất nước đều có khả năng bị phạt tù 5 năm, thậm chí bị lưu đày. Tại Ảrập Xêút, việc xúc phạm nhà vua bị coi là hành động khủng bố. Ở Thái Lan, hình phạt cao nhất cho hành vi bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, là 15 năm tù…

Vì tự do và cho tự do của mỗi người và toàn cộng đồng, một cách văn minh và tiến bộ, dù ngay cả trên không gian mạng, chúng ta kiên định, nghiêm khắc thực thi dân chủ và pháp quyền trong việc giữ vững, bảo vệ tự do chính trị, tự do tư tưởng, tự do lý luận, vì Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hùng cường phát triển XHCN, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, trong thế kỷ XXI.  

Tới đây, lại chợt nhớ lời cụ Lương Khải Siêu khuyên cụ Phan Bội Châu, vào những năm 20 của thế kỷ XX, rằng: Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập mà thôi.

Điều này mới thật sự cần kíp trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển công tác tư tưởng, lý luận độc lập và sáng tạo vì và cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam hiện nay.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản