Giải quyết tình trạng dân di cư tự do theo Nghị quyết số 113/2015/QH13

Bài cuối: Bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách trung ương

- Thứ Tư, 11/11/2020, 08:34 - Chia sẻ
Nguồn lực thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do ở giai đoạn trước mới đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu vốn của các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) đề nghị, cân đối khoảng 3.900 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư nói chung và dân di cư tự do nói riêng đến năm 2025. Nếu không bố trí được kinh phí thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Không có kinh phí thì không giải quyết được

Giải quyết tình hình dân di cư tự do là câu chuyện dài hơi, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không riêng Bộ NN - PTNT. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Cao Thị Xuân nêu quan điểm và chỉ rõ, về nguồn lực thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do ở giai đoạn trước, chỉ bố trí được 30% so với nhu cầu vốn của các địa phương.

Đến nay còn hơn 20.294 hộ dân di cư tự do từ nhiều năm trước chưa được bố trí các điểm dân cư. Đa số chưa được cấp sổ hộ khẩu do vướng mắc về thủ tục pháp lý như không có giấy tờ tùy thân, chưa có chỗ ở hợp pháp… Do đó, không được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, các cháu không được đi học, dịch vụ y tế, giáo dục không được hưởng. Vấn đề này cần có giải pháp ra sao? Đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch HĐDT Cao Thị Xuân cũng lưu ý, nếu cứ không bố trí được kinh phí thì sẽ không giải quyết được vấn đề. 

Đối với con số 1.000 hộ dân di cư tự do đã được bố trí, sắp xếp ổn định, Ủy viên Thường trực HĐDT Leo Thị Lịch đề nghị Bộ NN - PTNT cần chỉ rõ địa phương nào làm tốt vấn đề này. Trên thực tế, một số nơi sắp xếp không phù hợp với điều kiện tập quán, canh tác của đồng bào, nên dù được bố trí vào các điểm dân cư, nhưng dân vẫn không ở mà tái di cư tự do đến nơi khác. Ủy viên Thường trực Leo Thị Lịch cho rằng, Bộ NN - PTNT phải nhìn thẳng vào những tồn tại này, nhất là tình trạng có điểm dân cư tập trung nhưng người dân không ở được, thiếu điều kiện sản xuất, khoa học kỹ thuật, thiếu cả định hướng sinh kế. 

Trước đó, trong cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Cần có Đề án tổng thể ở tầm quốc gia nhằm giải quyết ổn định dân di cư. Thường trực HĐDT mong muốn lắng nghe ý kiến của Bộ NN - PTNT về vấn đề này. Vì lẽ, dân cư không ổn định thì không thể giải quyết các vấn đề khác được.

Bộ NN - PTNT cũng kiến nghị với Quốc hội, cần cân đối đủ nguồn lực từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư nói chung và dân di cư tự do nói riêng đến năm 2025. Nguồn lực này dự kiến khoảng 3.900 tỷ đồng để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Cân đối ngân sách và chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) nhằm hạn chế rủi ro, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo và các nguyên nhân gây ra tình trạng dân di cư tự do.

Cần có giải pháp đồng bộ

Bên cạnh giải pháp về nguồn lực, theo Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành, cần rà soát lại, phân loại dân di cư tự do theo các nhóm. Đơn cử, nhóm đã ổn định nhưng cuộc sống khó khăn, chưa có đất sản xuất; nhóm tự lập làng, tự sinh sống, chưa có hộ khẩu, chế độ chính sách gì, ngoại trừ y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội… Từ đó, có giải pháp xử lý đồng bộ, chứ không nên căn cứ vào số liệu điều tra đã cũ.

Ông Thành cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần thống nhất giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú, thường trú; hình thành, công nhận các điểm, nhóm dân di cư tự do theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư và trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến nêu rõ, dân di cư tự do là bởi thiếu đất ở, đất sản xuất. Chúng ta còn 20.294 hộ dân di cư tự do chưa có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nên không thực hiện được quyền công dân. Đã hơn 10 năm rồi mà vẫn chưa ổn định được thì chính sách như thế nào? Hay việc phát sinh của các xu hướng mới, phức tạp trong dân di cư tự do, nhất là di cư biên giới, di cư do tác động của dịch bệnh, thiên tai… Đây đều là vấn đề mà Bộ NN - PTNT - cơ quan chủ quản, tham mưu về chính sách phải suy tính.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường: Chỉ rõ, đúng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị 

Giai đoạn 2015 - 2020, cả nước có 8 dự án mới được phê duyệt về bố trí dân di cư tự do, 48 dự án dở dang và hoàn thành 17 dự án bố trí dân di cư tự do. Các dự án này là dự án của 5 tỉnh Tây Nguyên và Điện Biên. Bộ NN - PTNT chỉ là cơ quan tham mưu về cơ chế, chính sách, tổng hợp, đôn đốc, chứ không phải là cơ quan thực hiện. Tất nhiên có trách nhiệm của Bộ NN -  PTNT nhưng chủ thể các dự án là các tỉnh. 

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 113, kết quả tích cực là hạn chế được di dân tự do. Nhưng đến nay chúng ta "gom" lại cũng vẫn còn 20.294 hộ dân di cư chưa sắp xếp được. Và xuất hiện hình thái di cư mới là do thiên tai, sạt lở đất... Với 1.000 hộ dân di cư tự do đã được bố trí, sắp xếp ổn định của Mường Nhé, nếu chúng ta chủ quan, coi như xong việc rồi, chỉ còn 38 hộ, mà lại lơ đi không đánh giá thì không được. Chúng tôi sẽ xây dựng lại báo cáo về Nghị quyết 113, cái gì được, chưa được, những vấn đề gì đang đặt ra, trách nhiệm do ai.

Chúng tôi cũng kiến nghị nên bổ sung giám sát ở địa phương. Con số 20.294 hộ dân di cư tự do chưa bố trí được chỗ ở ổn định tập trung ở địa phương, 48 dự án dở dang, 8 dự án mới, 17 dự án kết thúc cũng là ở địa phương. Nếu không giám sát chỗ này, từng này dự án chưa chắc đã đủ. Hay có những tỉnh có dự án xây dựng 10 năm nay, giờ trật khớp, hay xây dựng dự án “trên giấy” thôi. Phải giám sát mới cụ thể được. Đối với vùng Tây Bắc, Điện Biên cũng nên có thêm nội dung giám sát để củng cố thế trận và giữ gìn thành quả. 

Chúng ta phải giải quyết căn cốt vấn đề. Bên hộ khẩu thì cho rằng, có đất, ổn định đi thì mới cho đăng ký hộ khẩu; bên tài nguyên lại bảo có hộ khẩu mới cấp đất. Chỗ này phải thật rõ. Cứ để như thế này thì kéo dài mãi, liên quan đến an ninh trật tự, phá đất rừng, thực hiện quyền công dân… Là dân ta cả, miếng cơm, manh áo, mưu sinh phải di cư, mà di cư rồi, Nhà nước phải có trách nhiệm, người dân không tự giải quyết được. Vì vậy, đề nghị trong kết quả giám sát chỉ rõ, cơ quan, đơn vị nào làm cái gì phải làm đi thì mới giải quyết được.

Các chủ thể cũng phải kết luận rõ, từng bộ, từng ngành - từ Bộ Công an, Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường... thì mới có bức tranh chung. Tôi rất mong kết quả giám sát chỉ rõ, đúng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị.

H. Ngọc ghi

 

 

Anh Thảo