Chỉ thị số 04-CT/TW: Khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng

Bài cuối: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 07:10 - Chia sẻ
Chỉ thị số 04-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá là “thượng phương bảo kiếm”, tạo luồng gió mới trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Rà soát, sửa đổi khắc phục vướng mắc

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phân tích: Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống giặc “nội xâm”.

Quyết tâm chống giặc “nội xâm” Nguồn: ITN
Quyết tâm chống giặc “nội xâm”
Nguồn: ITN

Đặc biệt Chỉ thị đã chỉ rõ, chúng ta phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có nghĩa là có những điều mà hiện nay pháp luật chưa quy định. Cho đến nay, chúng ta chỉ thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự, tuy nhiên cần phải tiếp tục nghiên cứu. Hiện, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan nhà nước nghiên cứu các hình thức thu hồi khác, không thông qua bản án.

Đặc biệt, liên quan đến câu chuyện kiểm soát tài sản, thu nhập, có những tài sản bất minh, nguồn gốc không rõ ràng, chúng ta mới chỉ xử lý sự không trung thực ở góc độ kỷ luật cán bộ, nhưng số tài sản đó xử lý thế nào, thì về mặt luật pháp vẫn còn nhiều vướng mắc. Chỉ thị 04-CT/TƯ của Ban Bí thư giao cho các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung chính là để khắc phục những hạn chế, vướng mắc này. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện cơ chế thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát mà không cần qua bản án hình sự hoặc các hình thức khác. Đây là điều rất mới, rất khó đối với Việt Nam, nhưng không thể không làm.

Đồng tình với những chia sẻ trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Chỉ thị số 04-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được ví như “thượng phương bảo kiếm” trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu  

Thực tế cho thấy, để công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được hiệu quả hơn là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết, là ý thức trách nhiệm của các cơ quan thực hiện, nhất là người đứng đầu cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra và những người trực tiếp đi làm thanh tra. Với yếu tố này, Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, phải luôn luôn coi trọng việc thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng trong suốt quá trình thanh tra, điều tra. Chẳng hạn, khi đã có nhận thức như vậy, hoạt động thanh tra sẽ được tạo điều kiện, kiến nghị của thanh tra sẽ được lắng nghe kịp thời. Trong quá trình tiến hành thanh tra thì điều thường diễn ra là thanh tra có thể phát hiện vi phạm, tham nhũng ở những mức độ khác nhau. Trong trường hợp đó, cơ quan thanh tra phối hợp kịp thời với cơ quan điều tra hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bởi, trong công tác phòng chống tham nhũng, quyền hạn của mỗi cơ quan là khác nhau cho nên phải cần có sự phối hợp. Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho rằng, mặc dù các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán có trách nhiệm cố gắng làm tốt nhiệm vụ nhưng rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy. Trong Chỉ thị nói rất rõ điều này, đặc biệt là người đứng đầu, tạo điều kiện để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình; đồng thời lắng nghe và chỉ đạo kịp thời các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp cùng với cơ quan chức năng, mới có thể tạo ra một sự đồng bộ khi thu hồi tài sản.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa phân tích thêm: Chỉ thị số 04-CT/TW nhấn mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng... Đây được coi là điểm sáng, có thể phát huy vai trò trí tuệ của tập thể, cơ quan, trong đó có quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình.

Chỉ thị số 04-CT/TW cũng tạo luồng sinh khí mới, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho cơ quan bảo vệ pháp luật được thực thi pháp luật thu hồi tài sản tham nhũng do anh A, chị B tạo ra, dù là tài sản đó có được bán, sang tên cho ai nhưng khi xác định nguồn tài sản đó có được do tham nhũng thì vẫn bị tịch thu tài sản. Đây là sự quyết tâm của Đảng trong việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng từ gốc, rễ, loại bỏ suy nghĩ của nhiều đối tượng rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

- Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa

Mấu chốt vẫn là con người

Chỉ thị 04-CT/TW đưa 7 giải pháp, mỗi giải pháp, biện pháp đều có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, giải pháp đầu tiên, vấn đề quan trọng đầu tiên vẫn là nhận thức. Xét cho cùng, cơ chế nào, luật pháp nào cũng vẫn là con người, mà con người trong cơ chế đó, người đứng đầu có vai trò vô cùng quan trọng. Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho rằng, cần tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác phòng chống, thu hồi tài sản tham nhũng, tạo điều kiện để các cơ quan làm được hết quyền hạn, trách nhiệm của mình, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan hữu quan. Trong một vụ án, các cơ quan tổ chức hữu quan như thuế, hải quan, nhà đất, ngân hàng, quản lý chứng khoán, cổ phiếu… cũng quan trọng cũng phải làm cho những cơ quan đó hiểu được trách nhiệm của họ, phối hợp với cơ quan chức năng để thu hồi được tài sản hiệu quả nhất.

Đặc biệt, trong mọi câu chuyện, mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, đương nhiên, sự tham gia của xã hội, công luận, người dân, báo chí là rất quan trọng. Bởi như Bác Hồ đã từng nói: “Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng” là một cơ chế kiểm soát hết sức hiệu quả. Đó là kênh thông tin rất tốt, Nhà nước trân trọng và tạo điều kiện, nhưng cũng phải có cơ chế thật nhanh để tiếp nhận, giải quyết kịp thời, mới khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân.

Đương nhiên, yếu tố quan trọng nữa chính là lực lượng, đội ngũ tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, như thanh tra, điều tra, tòa án, kể cả các ban Đảng. Trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, phải luôn có nhận thức, vấn đề tài sản và thu hồi tài sản là rất quan trọng, phải bằng tất cả sự tinh thông nghiệp vụ cộng với quyền hạn mà pháp luật cho phép để làm sao phát hiện, ngăn chặn thậm chí có thể đề nghị thu hồi, tạm giữ tài sản thì mới hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm của ông Minh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cũng cho rằng: Mỗi cơ quan, đơn vị đều có chức năng nhiệm vụ riêng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Do đó, bên cạnh các giải pháp bổ sung, hoàn thiện về thể chế, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức tham gia vào các giai đoạn tố tụng, kể cả tiền tố tụng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chống mọi biểu hiện tiêu cực, thì hiệu quả công tác thu hồi tài sản sẽ được nâng lên.

Song Hương