Tự do tôn giáo - quyền con người trong pháp luật Việt Nam

Bài cuối: Chính sách nhất quán về quyền tự do tôn giáo

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 23:02 - Chia sẻ
Những quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện rõ việc Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mọi người cư trú trên đất nước Việt Nam như với các quyền cơ bản khác của con người; đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo không ảnh hưởng đến thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nguyễn Khắc Huy

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra,

Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Quyền tự do tôn giáo cho mọi người

Ngày 12.3.2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Nghị quyết đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước và là một phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến căn bản về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo và công tác tôn giáo. Quan điểm, đường lối trong Nghị quyết đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng tín đồ các tôn giáo cũng như định hướng cho công tác tôn giáo. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội.

	Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.11.2016 - Ảnh: Quang Khánh
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.11.2016
 Ảnh: Quang Khánh

Ngày 18.6.2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh tiếp tục quy định về việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo và không tôn giáo của công dân; các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; quyền và nghĩa vụ công dân đối với chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

Hiến pháp 2013 đã có những thay đổi cơ bản về quy định đối với quyền tự do tôn giáo. Thứ nhất, quyền tự do tôn giáo được quy định trong chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; thứ hai, quyền tự do tôn giáo lần đầu tiên được Hiến pháp quy định cho “mọi người” chứ không chỉ là quyền của công dân như quy định tại các Hiến pháp đã ban hành; thứ ba, cũng là lần đầu tiên Hiến pháp quy định việc Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo. Đây là những dấu chỉ rõ ràng nhất cho việc thể chế quyền tự do tôn giáo với tư cách là một trong những quyền cơ bản của con người trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam. (Điều 24: (1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật).

Thể chế chính sách của Nhà nước

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng với quan điểm chỉ đạo là tiếp tục thể chế chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo và phù hợp với luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật đã đưa ra các quy định nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi người, xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do ấy. Những nguyên tắc chung về quyền tự do tôn giáo trong Luật đã quy định bảo đảm quyền cho mọi người, quyền của mỗi người, quyền của chức sắc, tín đồ các tôn giáo, quyền của những người bị hạn chế một phần quyền công dân, quyền của tổ chức tôn giáo, quyền của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tôn giáo.

Một số quy định cụ thể như việc bảo đảm cho mọi người có quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo trong cộng đồng (đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung); bảo đảm quyền hoạt động của tổ chức tôn giáo (đăng ký hoạt động, công nhận tổ chức tôn giáo, công nhận pháp nhân của tổ chức tôn giáo); tôn trọng công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo (thông báo phong phẩm, suy cử chức sắc, thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo, thông báo việc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho những người không chuyên hoạt động tôn giáo, thông báo việc tổ chức hội nghị thường niên...).

Với nguyên tắc không quy định lại những nội dung đã được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật khác, Luật chỉ quy định đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, các hoạt động ở lĩnh vực khác do tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện được dẫn chiếu thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan, như xuất bản, y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, đất đai, xây dựng… Những quy định đó thể hiện việc bình đẳng trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong thực hiện các hoạt động khác ngoài hoạt động tôn giáo.

Luật còn quy định cụ thể về thủ tục hành chính để bảo đảm việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi như về hồ sơ, thẩm quyền, trình tự thủ tục và ấn định thời hạn trả lời, đây là một trong những nội dung thể hiện việc thực hiện quyền tự do tôn giáo cũng như các quyền con người khác đều được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy xuyên suốt hệ thống pháp luật Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013, từ Sắc lệnh 234/SL năm 1955 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đều thể hiện rõ chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tôn giáo. Từ quy định quyền tự do tôn giáo là quyền lợi của công dân ở Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến quy định tự do tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, quy định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người trong Hiến pháp 2013 là kết quả của một quá trình thực thi, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo cùng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách pháp luật về quyền con người của Nhà nước Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.