Chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế

Bài cuối: Đảm bảo quyền cho người lao động

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 17:03 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc triển khai hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người lao động rất cần thiết. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ; thường xuyên tổ chức chương trình thăm khám, tư vấn cách bảo vệ sức khỏe cho công nhân.
Tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho công nhân lao động nữ. ITN
Tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho công nhân lao động nữ
Nguồn: ITN

Chú trọng sản xuất, bỏ qua... sức khỏe

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ không nhỏ công nhân hằng ngày đang phải làm việc trong những môi trường độc hại, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như ô nhiễm tiếng ồn (37,8%); nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh (24,3%); không đủ ánh sáng (29,8%); ô nhiễm bụi (40,8%); tiếp xúc với các loại khói (34,6%); tiếp xúc các loại hoá chất và chất dễ cháy (33,5%)…

Tuy nhiên việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe của lao động nữ, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản lại chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020, Khoa Bệnh nghề nghiệp phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát 350 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, chỉ có khoảng 70% số doanh nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu về đảm bảo môi trường làm việc theo tiêu chuẩn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế nêu trên, tuy nhiên doanh nghiệp chủ yếu chú trọng đến sản xuất, các quy định về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm và thực hiện là nguyên nhân hàng đầu. Đặc biệt, việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc tại các vị trí tiếp xúc với các yếu tố có hại chưa được thực hiện thường xuyên; tồn tại tình trạng người lao động không sử dụng trang bị bảo hộ lao động hoặc sử dụng không đầy đủ.

​  Nguồn nhân lực được chăm sóc thường xuyên sẽ là sức mạnh giúp doanh nghiệp phát triển. ITN  ​
Nguồn nhân lực được chăm sóc thường xuyên sẽ là sức mạnh giúp doanh nghiệp phát triển
Nguồn: ITN ​

Để chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ tại các khu công nghiệp được triển khai hiệu quả, tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030" Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu sẽ có 80% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử.

(Nguồn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu do chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về việc buộc phải xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong quy hoạch của các khu công nghiệp. Trong khi đó, các quy định về khám sức khỏe định kỳ còn thiếu tính chặt chẽ như quy định cơ sở y tế được phép tổ chức sức khỏe định kỳ, các hạng mục sức khỏe bắt buộc thăm khám. Hơn nữa, việc xử lý, xử phạt với các doanh nghiệp, chủ lao động không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với các cơ sở y tế vi phạm chức năng, quy trình cấp giấy khám sức khỏe định kỳ … còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Do đó, để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ được triển khai có hiệu quả cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động tại các khu công nghiệp (hạng mục khám, tiêu chuẩn của cơ sở cấp giấy khám, chế tài xử lý với các sai phạm..); đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể về việc thành lập bộ phận chăm sóc y tế tại các khu công nghiệp; các công trình y tế tại các khu công nghiệp dựa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; quy mô lao động của các doanh nghiệp.

Theo Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, ThS. Nguyễn Đình Phúc, để nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các khu công nghiệp, trước hết, cần xác định dịch vụ y tế ở đây không chỉ là các hoạt động chăm sóc sức khỏe công do Nhà nước cung cấp mà bao gồm cả các dịch vụ y tế do tư nhân đầu tư, dưới sự quản lý của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là trách nhiệm, là nghĩa vụ chung, không phải chỉ của Nhà nước mà còn của người sử dụng lao động và của cả xã hội. Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ y tế này không chỉ đảm bảo người lao động được chăm sóc sức khỏe ở mức cơ bản mà còn được bảo vệ trước các bệnh lý nghề nghiệp; đảm bảo tiếp cận chăm sóc sức khỏe của tất cả các nhóm lao động từ lao động chính thức, lao động hợp đồng…

Thái Yến