Phòng chống tội phạm mua bán người trong mùa dịch

Bài cuối: Đẩy lùi rủi ro, hỗ trợ sinh kế

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 06:23 - Chia sẻ
Với tính chất phức tạp của tội phạm buôn bán người trong bối cảnh hiện nay, đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái... những giải pháp được ngành chức năng và các cấp Hội phụ nữ chú trọng triển khai: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, nhân rộng các câu lạc bộ, mô hình truyền thông về phòng chống mua bán người tại nhiều địa bàn...

Tạo việc làm, tiếp cận vốn

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa đã kêu gọi các cấp Hội, cán bộ, hội viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác; phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân; đặc biệt là phát huy hiệu quả hoạt động của ngôi nhà bình yên, ngôi nhà nhân ái để nơi đây thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng.

Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn mua bán người là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của phụ nữ, trong những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố khảo sát nhu cầu, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo các nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sau đào tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ vùng giải phóng mặt bằng, tái định cư, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tín chấp, ủy thác với các ngân hàng nhằm hỗ trợ, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế...

Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho chị em phụ nữ tại các địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nên đã hạn chế đáng kể việc phụ nữ bươn chải đi làm ăn xa, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Không chỉ vậy, để đẩy lùi rủi ro tình trạng mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động, triển khai nhiều mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm... Từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm.

Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm: Thời gian tới để ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, việc đầu tư nguồn lực, thúc đẩy đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giải quyết bài toán sinh kế cho người dân cần được các cấp, ngành quan tâm hơn. Đối với nạn nhân, cần có sự hỗ trợ lâu dài vì phần lớn nạn nhân bị mua bán trở về bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, do đó đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ dài hạn.

“Ngay sau khi nạn nhân bị mua bán trở về, địa phương cũng như các cấp hội tiếp nhận, hỗ trợ và tư vấn để cho họ bước đầu có sự lựa chọn giải pháp, hướng đi đúng trong việc giải quyết những khó khăn mà họ đang phải trải qua; giúp họ giảm bớt mặc cảm, ổn định tâm lý để hoà nhập cuộc sống cộng đồng và phòng ngừa họ không bị mua bán trở lại; chủ động tiếp cận, nắm bắt những tâm tư, tình cảm và nhu cầu công việc để có hướng giúp đỡ lâu dài, bền vững" bà Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ. 

Tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật về mua bán người cho người dân tộc thiểu số
Nguồn: ITN 

Đổi mới công tác tuyên truyền

Mặc dù những năm gần đây, công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người luôn được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, và thực tế đã tạo ra phong trào sôi nổi, rộng khắp, nhờ đó, nhiều đối tượng, đường dây tội phạm mua bán người đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời... Song một thực tế hiện nay vẫn còn không ít những chị em phụ nữ rơi vào cạm bẫy của nạn mua bán người, thậm chí có trường hợp người mẹ bán cả đứa con đẻ của mình chỉ để lấy vài chục triệu đồng. Điều này cho thấy, ở góc độ nào đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về mua bán người ở các cấp hội, ngành chức năng triển khai chưa tốt, nội dung, hình thức chưa tới, chưa đến được với đông đảo người dân.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng: bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người; quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị những hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em... việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người cũng cần được chú trọng. Từ đó, góp phần nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, bên cạnh việc trang bị các kiến thức nền, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt… về các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)..., lực lượng chức năng cũng cần xây dựng chương trình cụ thể như cử cán bộ xuống các bến tàu, thuyền, cụm tàu bè an toàn trên sông, vịnh để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người...

Bài và ảnh: B. Hân - H. Giang