Bài cuối: Đi vào thực chất

- Thứ Tư, 17/11/2021, 14:46 - Chia sẻ
Ngoài việc tiếp tục cải cách, giảm chi phí ở những lĩnh vực còn nghẽn, lĩnh vực ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, việc giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn đòi hỏi quá trình tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế được xuyên suốt, không chỉ dừng lại ở việc “dán nhãn” cải cách cho thủ tục mà là những giá trị doanh nghiệp, người dân phải được hưởng lợi.
Giảm chi phí tuân thủ pháp luật là thước đo của nền hành chính công
Nguồn: ITN

Cải cách lĩnh vực nóng

Đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy/chữa cháy, quản lý thị trường, môi trường, xây dựng, kho bạc, giao thông, lao động, đăng ký doanh nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa và an toàn thực phẩm… là những lĩnh vực mà doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Kết quả điều tra các doanh nghiệp có công trình xây dựng liên quan đến đất đai thì tỷ lệ cho biết gặp khó khăn rất lớn. Những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao hơn cả (với giá trị dao động trong khoảng từ 53% cho đến 43%). Một số thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn ở mức thấp hơn như cấp, thoát nước và kết nối cấp điện, nhưng vẫn có lần lượt 26% và 29% doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn khi thực hiện.

Thực tế còn cho thấy, nếu xét từng lĩnh vực riêng lẻ đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đầu tư liên quan nhiều thủ tục hành chính của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều sở, ngành, không chỉ trong phạm vi của một tỉnh mà có thể ở cấp bộ, ngành Trung ương, thì doanh nghiệp thường gặp nhiều vướng mắc. Đó có thể là những chồng lấn, xung đột về mặt quy trình, hồ sơ, thẩm quyền, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, thủ tục không thể tiên liệu trước, tạo ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí. Đặc biệt doanh nghiệp, nhà đầu tư không biết phải tiến hành thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, hồ sơ như thế nào, cơ quan nào là đầu mối… Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tuân thủ pháp luật, phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật, nhất là chi phí không chính thức.

Thủ tục hành chính thuế là một trong những lĩnh vực có nhiều cải cách, cắt giảm
Nguồn: ITN

Nâng cao chất lượng thực thi

Năm 2020, vẫn có tới 74% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành” và 60% doanh nghiệp cho biết “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”. Cả hai chỉ tiêu này có mức độ cải thiện tương đối chậm theo thời gian. Đây vẫn là điểm nghẽn cần xử lý thông qua việc triển khai Chỉ số cạnh tranh cấp huyện, thị và sở ngành (DDCI) mà Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đã đặt ra. Ở góc độ nào đó, đây cũng chỉ là biểu hiện của “trên thoáng dưới chưa mở”, nỗi lo sợ trách nhiệm, quy trách nhiệm trước những cải cách mới, hoặc tâm lý muốn giữ lại “quyền hành sổ sách, giấy tờ”.  

Thực tế, mặc dù đã có sự cải thiện trong chỉ tiêu gia nhập thị trường, song phản ánh của doanh nghiệp cho thấy khâu hậu đăng ký còn rất vướng. 32% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính trong việc xin giấy phép/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khoảng 26% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Như vậy, ở khía cạnh thực thi, tổ chức triển khai quy định còn chưa thông. Đáng lưu ý, gánh nặng hậu đăng ký doanh nghiệp có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện tương đối rõ qua mức độ khó khăn trong việc xin giấy phép/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng như giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Để đi vào hoạt động, ngoài giấy chứng nhận kinh doanh, doanh nghiệp cần có các loại giấy phép khác như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký lưu hành sản phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, giấy phép quảng cáo… Để có đủ các loại giấy phép, thông thường doanh nghiệp phải mất từ 1 tháng – 6 tháng. Điều này cho thấy, chi phí tuân thủ pháp luật hậu đăng ký là tương đối lớn.

Trưởng ban Pháp chế, VCCI Đậu Tuấn Anh cho rằng, để góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật thì song song với quá trình điện tử hoá việc cung cấp dịch vụ công, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như các cổng dịch vụ công. Đặc biệt, cần rà soát các quy định pháp luật đảm bảo cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính mức độ 4, tránh việc người thực hiện thủ tục hành chính phải nộp thêm giấy tờ trong quá trình này.

Một số loại văn bản, thông tin có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết khó hoặc không thể tiếp cận vẫn ở mức cao. Đó là bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%).

Nguyễn Minh