Phát huy dân chủ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Bài cuối: Điều kiện “cần” và “đủ”

- Thứ Năm, 08/07/2021, 06:48 - Chia sẻ
Trong tiến trình phát huy dân chủ nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa nền kinh tế phải có những điều kiện “cần” và “đủ” sau.

Trước hết, dự báo một cách khoa học và chính xác thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế vận động của thế giới, trước hết về kinh tế và các mối quan hệ quốc tế căn bản.       

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định tính độc lập tự chủ, sự đúng đắn, sáng tạo và phù hợp trong việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế trên tầm vĩ mô và hệ các chính sách phát triển kinh tế cụ thể của đất nước. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể lường tránh được sự giáo điều, rập khuôn hoặc sự áp đặt, lệ thuộc về đường lối, chính sách kinh tế từ bên ngoài. Đó là bài học lớn từ nước ta suốt mấy chục năm qua và từ kinh nghiệm thành bại của nhiều nước qua mấy thập kỷ nay. 

Thứ hai, tập trung sức xây dựng một nền kinh tế có thực lực mạnh, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; đồng thời, giữ vững môi trường chính trị và xã hội ổn định, kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô phát triển và môi trường sinh thái bền vững. 

Để có một nền kinh tế độc lập tự chủ và hùng mạnh, nhất định phải đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại. Đó cũng là nhiệm vụ trung tâm của chúng ta suốt thời kỳ quá độ, mà trước mắt trong tầm nhìn đến năm 2030. Ở đây, có hàng loạt vấn đề đặt ra cần xử lý: Xây dựng, phát triển và hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các loại thị trường; cân đối giữa sản xuất với tiêu dùng và tích lũy từ nội bộ nền kinh tế; xây dựng thể chế kinh tế, xã hội bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, với sự phát triển của các ngành kinh tế công nghiệp nặng then chốt, nền tảng; thiết lập hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại; bảo đảm thống nhất giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tiên lượng và xử lý hiệu quả những “cú sốc” của thị trường... 

Đồng thời, giữ vững môi trường kinh tế - chính trị - xã hội ổn định; chủ động bảo đảm tốt môi trường phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô và môi trường sinh thái phát triển cân bằng, bền vững. Đây thực sự là những điều kiện cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định trong việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ của chúng ta nhằm chủ động tăng cường hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu, theo những quy luật của thị trường.

Thứ ba, xây dựng một hệ công cụ pháp luật quản lý kinh tế đầy đủ, tiên tiến, hiện đại và đủ mạnh.

Đây thực chất là tạo dựng một hành lang pháp lý bảo đảm cho việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế một cách đúng hướng và hiệu quả. Nhiệm vụ lâu dài cũng là cấp bách trước mắt là, chúng ta nhanh chóng xây dựng mới, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp nói chung, các luật và bộ luật kinh tế và quản lý kinh tế nói riêng trong điều kiện mới bảo đảm tương dung với luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là nhiệm vụ của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Coi nhẹ vấn đề này, có thể chúng ta sẽ chênh vênh, lạc lối, thậm chí mất phương hướng và thất bại trong việc xử lý trên tầm vĩ mô trên lộ trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế vốn đang hàm chứa đầy rẫy những thách thức phức tạp hiện nay.

Thứ tư, giữ vững và nâng cao không ngừng sự lãnh đạo của Đảng ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ cách mạng mới.

Đây cũng chính là nguyên tắc bất di bất dịch. Đảng phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và truyền thống nhân văn của dân tộc; xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Phải bảo đảm dân chủ rộng rãi gắn chặt với tập trung trong Đảng. Đó là tiền đề căn bản để thực thi hiệu quả tiến trình dân chủ hóa xã hội nói chung, nền kinh tế quốc gia nói riêng. Đảng lãnh đạo để Nhân dân là chủ và Nhân dân làm chủ.

Tăng cường sức mạnh toàn diện của Nhân dân. Trước hết, nâng cao trình độ dân trí về mọi mặt, nhất là xóa mù về chữ viết, về luật pháp. Thấu hiểu dân tâm và kịp thời ứng xử, giải quyết dân ý, dân nguyện. Động viên Nhân dân chủ động tham gia vào việc quản lý toàn diện đất nước, quản lý xã hội ngay từ cơ sở. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tỉnh táo trước các trào lưu dân chủ hóa phương Tây...

Thứ năm, bảo đảm và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước hết về mặt kinh tế.

Trên phương diện này, quyết không được dao động, quyết không bắt chước mô hình chế độ phương Tây. Điểm mấu nhất là, xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ đủ mạnh với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số gắn chặt với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đầy đủ, phù hợp, có tính khả thi cao một cách đồng bộ với công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia nhằm phục vụ tốt nhất Nhân dân. Lựa chọn những công cụ quản lý kinh tế xã hội vĩ mô, nhất là trên lĩnh vực kinh tế (bao hàm kinh tế đối nội và kinh tế đối ngoại) đủ mạnh và hiệu quả.

Đặc biệt, trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc bảo vệ nền kinh tế đất nước là rất quan trọng. Bởi lẽ, lúc này hơn lúc nào hết, kinh tế là sự tiếp tục của chính trị. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có nguy cơ bị kẻ thù phá hoại thông qua con đường đầu tư, hợp tác kinh tế "diễn biến hòa bình" theo kiểu "con ngựa gỗ thành Tơ-roa". Nói cụ thể là chủ động chống "diễn biến hoà bình kinh tế", “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích xâm hại lợi ích quốc gia thống nhất. Kinh nghiệm từ nhiều nước đã cho thấy bài học đó. Nghiêm trị những hành động phản dân chủ, nhất là sách nhiễu Nhân dân, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, gây hỗn loạn chính trị và xã hội, gây rối loạn và làm thiệt hại kinh tế.  

Cuối cùng, kiên định nguyên tắc xã hội chủ nghĩa; linh hoạt, mềm dẻo   trong phương thức, bước đi theo lộ trình hội nhập quốc tế được hoạch định.  Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dĩ bất biến ứng vạn biến. Bất biến ở đây là kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nguyên tắc hành động của chúng ta. Xuất phát từ nguyên tắc đó, phương châm hành xử của chúng ta là, phải xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và coi đây là nhiệm vụ trung tâm của suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế với tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Sẵn sàng là bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với một ai. Kinh nghiệm cho thấy, sự thận trọng nhưng không trì trệ, khẩn trương nhưng không nôn nóng trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi khả năng nhạy bén trong xử lý các tình huống, chớp lấy thời cơ và hành động thật kiên quyết để bảo vệ cho kỳ được lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc.  

Cùng với những điều kiện cần ở trên, Đảng và Nhà nước đổi mới và trang bị những phương tiện làm việc đủ mạnh, theo hướng hiện đại. Đây là điều kiện đủ để bảo đảm cho việc thực thi thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trở thành chủ thể, môi trường và động lực mạnh mẽ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa nền kinh tế quốc gia.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản