Ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen

Bài cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:20 - Chia sẻ
Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều chuyên án đấu tranh, xử lý tội phạm cũng như hoạt động tín dụng đen, song lợi dụng công nghệ cao và bằng nhiều hình thức, các đối tượng vẫn len lỏi vào đời sống người dân để hoạt động phi pháp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu vay vốn thì lớn, trong khi việc tiếp cận với nguồn vay chính thống còn không ít trở ngại.

Tiếp cận vốn... không dễ

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã tích cực giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ vay vốn dành cho các đối tượng khách hàng. Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội đang có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Hay, Agribank cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cho vay tiêu dùng tại các điểm giao dịch trên toàn quốc với yêu cầu về hồ sơ vay vốn giải quyết nhanh gọn và ưu tiên thực hiện xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày cho khách hàng. Đồng thời giới thiệu các dịch vụ khá đa dạng như: Cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay lưu vụ; cho vay phục vụ đời sống; cho vay qua các điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng…

Lực lượng công an thu giữ nhiều tang vật liên quan việc cho vay nặng lãi của các đối tượng
Nguồn: ITN

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Dẫu vậy, khảo sát cho thấy, khách hàng có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng không hề dễ dàng và đơn giản như lời quảng cáo, giới thiệu. Hầu hết khách hàng tiếp cận được nguồn vay, có thể vay được từ tài sản thế chấp là nhà cửa, đất đai; còn lại nguồn tín chấp từ giấy tờ xe, bảng lương rất khó khăn, thậm chí nhiều ngân hàng từ chối thẳng thừng. Trong vai người đi vay tín chấp qua bảng lương để lấy vốn phát triển kinh doanh buôn bán dịp cuối năm tại các ngân hàng BIDV, Sacombank, SeAbank, Agribank... cho thấy, nếu như các năm trước những ngân hàng này rất chào đón đối với các khoản vay tín chấp, thì năm nay gần như hạn chế.

Mặc dù được đánh giá là "nới lỏng" hơn các tổ chức tín dụng khác, song Sacombank lại có điều kiện rất khắt khe, dù khách hàng đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hợp đồng lao động, bảng lương, nhưng lại phải kèm điều kiện phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do ngân hàng quy định... Khi được hỏi lý do, thì khách hàng được giải thích là do "chính sách từ trên xuống". "Các ngân hàng khi cho vay cũng phải chắc chắn, tính đến mọi rủi ro, nếu không thắt chặt cho vay thì ngân hàng sập, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp” - một giao dịch viên tên Nguyễn Biên C. - ngân hàng Sacombank chi nhánh Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Cũng trong vai người đi vay vốn để phục vụ việc sửa nhà cho sinh viên thuê, chúng tôi đã tiếp cận một số tổ, đội vay vốn tại phường như Hội Phụ nữ, một số tổ chức tín dụng có quy mô như 888, Tima và cửa hàng cho vay, cầm đồ... cho thấy, mặc dù việc phê duyệt vay vốn ở các tổ chức này rất nhanh chóng, không yêu cầu giấy tờ, thủ tục, thẩm định như ngân hàng, song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều trường hợp do cần vốn gấp, người vay sẵn sàng ký vào các hợp đồng “núp bóng” khác nhau như: Hợp đồng nhận tài sản, nhận tiền xin việc, thậm chí, các đối tượng dùng các ứng dụng công nghệ (app) trên điện thoại để lừa đảo người vay với lãi suất lên tới vài trăm phần trăm/năm. Điều này dẫn đến hệ quả, không ít người có nhu cầu vốn, nhưng khi không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng đành “nhắm mắt đưa tay" ký vào bản hợp đồng vay vốn của tổ chức tín dụng đen.

Mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng chính thống

Để góp phần giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Và, Luật Đầu tư 2020 quy định, hoạt động đòi nợ thuê, hay còn gọi là dịch vụ thu hồi nợ bị cấm kể từ ngày 1.1.2021. Đây được coi là biện pháp mạnh để ngăn chặn sự nở rộ của tín dụng đen.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì, những biện pháp hạn chế "tín dụng đen" thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

Có thể thấy, để giảm thiểu tình trạng trên, các bộ, ngành liên quan phải thực hiện đồng thời cả các giải pháp là đáp ứng nhu cầu vay tín chấp của người dân; đồng thời, tuyên truyền cho người dân được biết hậu quả của tín dụng đen; xử lý nghiêm minh các đối tượng cho vay nặng lãi bằng các chế tài hình sự. Trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng lớn, nếu các quỹ tín dụng, ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu này sẽ dẫn đến tạo ra miếng đất màu mỡ cho hoạt động tín dụng đen, gây nhiễu loạn xã hội.  

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài  tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Hải Thanh - Minh Hiền