Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh

Bài cuối: Giải quyết vấn đề ở tầm quốc gia

- Thứ Hai, 09/11/2020, 06:23 - Chia sẻ
Rà soát, sắp xếp các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp có liên quan mật thiết với bố trí đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề cấp bách, hàng đầu tác động đến sinh kế của đồng bào. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần phải có một Đề án tổng thể ở tầm quốc gia, đặt trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến

Nhiệm vụ xuyên suốt

Tăng cường quản lý đất đai nông, lâm trường là nhiệm vụ xuyên suốt mà Đảng, Nhà nước, các địa phương phải thực hiện. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trong cuộc làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng đề xuất phải tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Thanh Khuyến cho rằng, để xử lý dứt điểm, Quốc hội nên chỉ đạo Chính phủ bố trí 100% ngân sách từ Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng. Bởi lẽ địa bàn này đều nằm hầu hết ở các tỉnh khó khăn về ngân sách, hàng năm ngân sách trung ương phải hỗ trợ, hơn nữa đối tượng thụ hưởng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Ông Khuyến nhấn mạnh, “nếu làm được như thế thì trong vòng 1 - 2 năm nữa là hoàn thành, thay vì cứ kéo dài năm này qua năm khác”.

Đo đạc, cắm mốc giới, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng là nội dung mà Nghị quyết 112 yêu cầu hoàn thành trước năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, hiện nay mới có 34/45 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ rà soát ranh giới, cắm mốc. 38/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường theo kết quả rà soát ở các địa phương cũng chậm, đến nay còn 83,1% diện tích chưa được cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Cần một “nhạc trưởng”

“Đất nông lâm trường nếu không đụng vào thì thôi, đụng vào thì bùng nhùng lắm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh chia sẻ với những khó khăn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Lý do theo ông là bởi, việc giao đất cho các nông lâm trường trước đây không cụ thể, không được đo đạc, xác định ranh giới trên thực địa. Đó là hậu quả từ thời kỳ bao cấp đến nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Thị Lan dẫn chứng, địa phương nào phải quyết tâm lắm thì mới hoàn thành được Đề án giao đất giao rừng. Hiện nay, trên 80% địa phương chưa thực hiện xong giao đất, giao rừng, cùng lắm là kiểm kê được diện tích đất rừng, định vị GPS… Không xác định được thì vô cùng khó khăn trong thu hồi đất của công ty nông, lâm nghiệp. Việc này ảnh hưởng không chỉ đến chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn cho phát triển kinh tế của địa phương.

Cho rằng, một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể làm được nếu như địa phương không xử lý dứt điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh gợi mở, phải chăng cần có “nhạc trưởng” để giải quyết vấn đề này. Tán thành quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng đề nghị, có thể giao cho một Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và chỉ đạo.

Nghị quyết 112 có liên đới mật thiết với Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội về nội dung “bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào khu tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi và di dời ra khỏi nơi thường xuyên bị thiên tai, hoàn thành trồng bù diện tích rừng các dự án thủy điện, thủy lợi vào năm 2016”, trong đó, bức xúc nhất là đất ở, đất sản xuất. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, chúng ta đề ra đến năm 2010 giải quyết cơ bản, nhưng đến năm 2020 vẫn còn gần 400 nghìn hộ thiếu đất (tất nhiên có phát sinh). Như vậy, mục tiêu đề ra không đạt được. Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề bức xúc nhất, hàng đầu, liên quan đến sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Để giải quyết vấn đề này, một phần quỹ đất rất lớn có liên quan tới đất nông nghiệp, lâm trường.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, phải có một Đề án, chính sách tổng thể ở tầm quốc gia, đặt trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nếu cứ để huyện tự giải quyết thì không có quỹ đất, tỉnh cũng không còn quỹ đất. Dân thiếu đất, nhưng nông nghiệp, lâm trường lại có đất. Chúng ta phải gắn vấn đề này với di dân tái định cư, bố trí lại dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm sạt lở lũ quét, lũ ống, di dân tự do, giải quyết đất ở, đất sản xuất.      

Ý Nhi