Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND

Bài cuối: Giảm đại biểu khối UBND và các đơn vị trực thuộc

- Thứ Hai, 06/07/2020, 06:04 - Chia sẻ
Một thực tế đáng lưu ý hiện nay là số lượng đại biểu thực hiện quyền chất vấn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chủ yếu là đại biểu chuyên trách, lãnh đạo các Ban HĐND và đại biểu đến từ các địa phương tham gia chất vấn, tái chất vấn; đại biểu của UBND và các đoàn thể hầu như ít tham gia chất vấn, thậm chí có đại biểu không đặt câu hỏi chất vấn. Vì vậy giải pháp đầu tiên, thiết nghĩ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần cắt giảm số lượng đại biểu dân cử thuộc khối UBND và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

Phát huy vai trò bộ phận tham mưu, giúp việc

Mặc dù đã có nhiều đổi mới, cải tiến thiết thực, chất lượng, hiệu quả cũng không ngừng được nâng lên, song nhiều cử tri cũng không khỏi thất vọng với người đại diện của mình khi một số câu hỏi chất vấn chất lượng chưa cao, gây lãng phí thời gian của kỳ họp, như các dạng câu hỏi mang tính kiến nghị giải pháp, hỏi về quy định, chính sách, câu hỏi cử tri hỏi đã được giải quyết mà đại biểu chưa cập nhật kết quả… Có trường hợp, đại biểu HĐND lợi dụng diễn đàn chất vấn đặt câu hỏi mang tính “hạ bệ” nhau, lấy diễn đàn nhân dân để đạt lợi ích cá nhân, dù không nhiều.

Đại biểu cần biến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thành nội dung mình muốn hỏi
Ảnh: Nguyễn Hoa

Khắc phục thực tế này, đòi hỏi bộ phận tham mưu, giúp việc cho HĐND và Thường trực HĐND cần thận trọng trong việc tổng hợp và lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Theo đó, trước khi phân công điều hành, Thường trực HĐND cần thống nhất nội dung câu hỏi chất vấn trực tiếp. Ở đây, vai trò của bộ phận tham mưu, giúp việc của HĐND khá quan trọng. Bên cạnh tổng hợp, bộ phận này cũng giúp Thường trực HĐND khâu nối với đại biểu đặt câu hỏi để xác định rõ mục đích đại biểu hỏi và mong muốn kết quả ra sao, cũng như xác minh thực tiễn (nếu nội dung có địa chỉ). Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng, nếu câu hỏi đưa ra nghị trường mà thực tiễn không đúng như nội dung hỏi sẽ làm mất thời gian của kỳ họp cũng như HĐND sẽ bị đánh giá thấp. Bên cạnh đó, loại trừ các câu hỏi mang tính chỉ để hỏi, đã có kết quả giải quyết, trả lời cũng không giải quyết việc gì, hoặc câu hỏi mang tính lợi dụng diễn đàn để hạ bệ lẫn nhau.

Quá trình điều hành, Chủ tọa cũng mắc phải một số sai sót như dài dòng, không dứt khoát trong chốt nội dung nên chưa quy rõ được trách nhiệm và lộ trình xử lý. Một số đại biểu không đeo bám đến cùng vấn đề, nêu ra rồi bỏ ngỏ, mặc dù phần trả lời của người bị chất vấn chưa đầy đủ, rõ ràng; một số khác quá gay gắt trong phần tái chất vấn gây áp lực và căng thẳng cho người bị chất vấn… khiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn không đạt được mục đích.

Để đạt được mục đích chất vấn, yêu cầu đặt ra đối với đại biểu là câu hỏi cần rõ ràng, có địa chỉ. Trên thực tế, có nhiều diễn đàn tập huấn dạy cách đặt câu hỏi chất vấn sao cho hay, cho trúng, nhưng cũng có nhiều đại biểu lúng túng trong cách áp dụng. Theo kinh nghiệm của một đại biểu được cử tri hết mực gắn bó, cách để có câu hỏi chất vấn hay và trúng không gì hơn là đi hỏi cử tri và nhân dân, hỏi thực tiễn. Từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân biến thành nội dung mình muốn hỏi và xác định rõ mong muốn đạt được khi nghe cơ quan chức năng trả lời, trả lời cho được câu hỏi: Hỏi ai? Hỏi để làm gì? Và hỏi như thế nào?

Bất cập cần sớm được sửa đổi

Một thực tế đáng lưu ý nữa là số lượng đại biểu thực hiện quyền chất vấn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chủ yếu là đại biểu chuyên trách, lãnh đạo các Ban HĐND và đại biểu đến từ các địa phương tham gia chất vấn và tái chất vấn; đại biểu của UBND và các đoàn thể hầu như ít tham gia chất vấn, thậm chí có đại biểu không đặt câu hỏi chất vấn. Ngoài yếu tố chủ quan (né tránh, ngại va chạm…), có một nguyên nhân khách quan là quy định về cơ cấu. Bởi lẽ, những đại biểu HĐND thuộc khối UBND thực hiện đồng thời 2 vai: Vừa là người chất vấn, vừa là người bị chất vấn. Bên cạnh đó, nếu không bị chất vấn thì họ cũng thuộc UBND nên không thể lãnh đạo và Ủy viên UBND lại đi chất vấn Ủy viên UBND, Trưởng phòng chuyên môn của UBND.

Đây là một bất cập không mới, xảy ra ở nhiều địa phương, cần sớm sửa đổi, không nên cơ cấu nhiều đại biểu HĐND thuộc khối cơ quan UBND. Mặc dù nhiệm kỳ trước, các nhà làm luật, quản lý cũng đã sớm nhận ra bất cập trong cơ cấu đại biểu khối UBND tham gia đại biểu HĐND (trừ Chủ tịch UBND bầu đầu nhiệm kỳ về nguyên tắc phải là đại biểu của dân) không phát huy được quyền, trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, tới nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiều địa phương số lượng đại biểu là lãnh đạo UBND và các phòng chuyên môn của UBND không hề giảm. Điều này có nghĩa sẽ có ngần ấy đại biểu không thể hoàn thành tốt trách nhiệm đại biểu và lời hứa với cử tri. Nên giải pháp đầu tiên, thiết nghĩ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần kiên quyết cắt giảm số lượng đại biểu dân cử thuộc khối UBND và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Qua đó, thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 6 đó là giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND.

THÁI HÒA