"Nhiệm vụ kép" ở vùng biên

Bài cuối: Gian nan ngăn chặn buôn lậu trên biển

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:48 - Chia sẻ
Từ việc siết chặt kiểm soát trên tuyến đường bộ nên buôn lậu có dấu hiệu chuyển sang đường biển, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ.
Bắt giữ tàu số hiệu KG 91283 TS vận chuyển dầu trái phép

“Nóng” buôn lậu xăng dầu... 

Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, trên tuyến biên giới biển nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, than, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh (nội tạng động vật, thịt trâu, thịt bò, chân gà...) trên vùng biển các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang…

Việc các đối tượng cải hoán tàu cá thành tàu chở lậu để mua dầu từ các phương tiện tàu nước ngoài về bán cho ngư dân đang đánh bắt trên biển là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng.

Tỉnh Kiên Giang là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước (khoảng 10.000 phương tiện), nên nhu cầu về xăng dầu phục vụ khai thác thủy sản lớn. Trong khi đó, ngư dân mua xăng dầu bất hợp pháp trên biển vừa rẻ, lại không mất thời gian, chi phí cho việc di chuyển vào, ra các đảo của Việt Nam để mua dầu. Vì vậy, các chủ tàu buôn lậu của Việt Nam thường thông qua các đối tượng trung gian, hợp đồng với các tàu nước ngoài thường neo đậu tại vùng biển chồng lấn hoặc vùng tiếp giáp với vùng biển nước ta để mua bán, sang mạn xăng dầu trái phép trên biển. Sau đó, móc nối với các chủ tàu cá để thương lượng, hẹn tọa độ, theo dõi lịch đánh bắt để bán lại cho các tàu cá đánh bắt ngoài khơi.

Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, do giá dầu ở Thái Lan và Campuchia thấp hơn trong nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của ngư dân rất lớn. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chống buôn lậu, các đối tượng đã cải hoán tàu cá, lắp đặt thêm các trang bị, công cụ trên tàu hoạt động khai thác thủy sản tạo các khoang dầu khép kín, có sức chứa lên đến hàng trăm ngàn lít, cộng với máy bơm công suất lớn để phục vụ việc mua bán dầu trái phép. Sau đó, các đối tượng lợi dụng thời tiết sóng gió, đêm tối, chạy ra vùng biển giáp ranh mua dầu không rõ nguồn gốc về bán cho các tàu cá hoạt động trên biển để kiếm lời.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 700.000 lít dầu D.O vận chuyển trái phép qua biên giới trên vùng biển Kiên Giang. Trong tháng 6.2021, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã bắt giữ 3 vụ buôn lậu dầu trên biển. Các tàu buôn lậu dầu vận chuyển tổng số 190.000 lít dầu D.O.

6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã điều động 6 đợt với 2.834 lượt cán bộ, chiến sĩ, 55 chó nghiệp vụ, 11 tàu tăng cường cho Bộ đội biên phòng các tỉnh tuyến biên giới đất liền và vùng biển Tây Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục điều động lực lượng, thành lập thêm 185 tổ, chốt biên phòng với 1.266 cán bộ chiến sĩ trên các tuyến biên giới trong cả nước, trong đó tuyến Việt Nam - Campuchia tăng 110 tổ, chốt với 737 người.

... và gian lận khai báo hải quan qua cảng biển 

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng biển diễn ra rất phức tạp. Điển hình là lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất, nhập khẩu, một số đối tượng đã đăng ký thành lập công ty nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam nhưng gian lận trong khai báo thủ tục hải quan nhằm trốn thuế và trục lợi.

Hiện nay, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia. Mỗi năm, ngành hải quan đã thực hiện soi chiếu gần 50.000 container. Việc tăng cường soi chiếu nhằm bảo đảm sự kiểm soát một cách hiệu quả các lô hàng nghi vấn, đồng thời giúp thông quan nhanh những lô hàng không chứa hàng vi phạm. 

Cục Hải quan Kiên Giang nhận định, trong thời gian tới, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường biển có chiều hướng gia tăng với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi với các mặt hàng buôn lậu như xăng dầu, thuốc lá, ma túy… được giấu kín trong các thùng carton có gắn định vị và thả nổi trên biển nên khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, truy vết để xử lý.

Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, quản lý 56 cảng biển lớn, nhỏ trải dài gần 100km bờ biển, sông. Bên cạnh các cảng chính còn có nhiều bãi ngang, bãi tạm, khu neo đậu tàu, thuyền. Thượng tá Phạm Văn Hòe, Chính trị viên Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các đối tượng vừa tổ chức liên kết thành băng, nhóm vận chuyển hàng lậu số lượng lớn, vừa tổ chức buôn lậu nhỏ, lẻ... Nhiều đối tượng dùng các tờ khai ưu đãi thuế, kê khai không đầy đủ, không đúng tên hàng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để gian lận thương mại. 

Khi bị phát hiện, các đối tượng tìm cách cho tàu chạy trốn. Không ít tàu, thuyền lớn tìm cách móc nối với các tàu, thuyền trên địa bàn, giao hàng tại phao số 0 để vận chuyển, tuồn hàng lậu vào đất liền qua các đường tiểu ngạch, bãi ngang, bãi tạm. Các tàu trong bờ ra lấy hàng thường không có số hiệu, chuẩn bị hóa đơn, chứng từ không hợp lệ để đối phó, ngụy trang tàu với nhiều hầm chứa hàng lậu; sang, chiết hàng, sử dụng nhiều hành trình, tốc độ, thời gian khác nhau... Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp các lực lượng phát hiện, bắt giữ gần 200 vụ với 287 đối tượng vi phạm an ninh, buôn lậu, gian lận thương mại...

Bài và ảnh: Nhật Tuấn - Đăng Bảy