Hiện thực hóa quyền của phụ nữ khuyết tật

Bài cuối: Hướng tới bình đẳng thực chất

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:21 - Chia sẻ
Luật Người khuyết tật ra đời giữa năm 2010 và có hiệu lực từ tháng 1.2011 được coi là một thành tựu quan trọng, thể hiện việc thực hiện cam kết bảo đảm hơn nữa cho phụ nữ khuyết tật phát huy được bản thân, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Tuy vậy, để từng bước xóa bỏ những rào cản định kiến giới, tạo bình đẳng thực chất cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cần tăng cường thực thi pháp luật...

Thực thi "nửa vời"

Chia sẻ khung chính sách pháp luật cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật sau khi Việt Nam tham gia Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Giám đốc Trung tâm IDEA Nguyễn Hồng Oanh cho rằng: Hệ thống pháp luật về người khuyết tật nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng ở Việt Nam tương đối đầy đủ, đồng bộ. Cụ thể, Luật Người khuyết tật ra đời giữa năm 2010 và có hiệu lực từ tháng 1.2011 là một thành tựu và hành động mạnh mẽ trong việc thực hiện cam kết bảo đảm hơn nữa quyền bình đẳng cho phụ nữ khuyết tật.

Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn từ chối nhận phụ nữ khuyết tật vào làm việc

Điều 14, Luật Người khuyết tật quy định: Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội...

Cùng với đó, trong những năm qua, hoạt động thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách ưu đãi về tín dụng, chăm sóc sức khỏe... để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyết tật phát huy được bản thân, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nhằm tiến tới hiện thực hóa quyền của những người khuyết tật.  

Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong việc bảo đảm quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đơn cử, liên quan đến giải quyết bình đẳng cho phụ nữ khuyết tật ở nơi làm việc, thu nhập, bạo lực bạo hành vẫn còn; tiếp cận của chị em phụ nữ khuyết tật về giao thông, giải trí… vẫn chưa thực sự được bảo đảm... Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là “do việc thực thi pháp luật về bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật cũng như quyền tiếp cận tư pháp đối với họ vẫn chưa nghiêm, việc thực hiện còn nửa vời, chưa quyết liệt và rốt ráo”- bà Nguyễn Hồng Oanh nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hồng Phong - Hội Khuyết tật huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, mặc dù chúng ta đã tham gia công ước CEDAW, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật, song trên thực tế phụ nữ khuyết tật vẫn gặp rất nhiều rào cản: Khó tìm công việc ổn định so với phụ nữ bình thường, thực tế có nhiều công ty từ chối nhận người khuyết tật vào làm; rào cản về tìm hiểu hôn nhân gia đình, kết hôn; và rào cản về chăm sóc sức khỏe bản thân, họ không được đi tới các trung tâm y tế thăm khám sức khỏe; họ không được tham gia sinh hoạt các hoạt động chính trị, cộng đồng, họ không tự tin để đưa mình có thể tiếp cận với cộng đồng... do định kiến giới vẫn tồn tại.

Nỗ lực xóa bỏ rào cản

Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật tuy đã tốt hơn, nhân văn hơn. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp người khuyết tật tự tin hơn, các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn, giúp người khuyết tật, trong đó có phụ nữ khuyết tật hòa nhập vào đời sống xã hội thuận lợi. Từ đó hình ảnh và vai trò của người khuyết tật đã được thay đổi và nâng lên rõ rệt. nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, làm cản trở quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Tuy vậy, rào cản lớn nhất hiện nay đối với người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng là xã hội vẫn nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại, đối đãi với người khuyết tật theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của họ.

Để xóa những rào cản này, bảo đảm cho phụ nữ khuyết tật tiến tới cơ hội bình đẳng, hòa nhập hơn nữa, phụ nữ khuyết tật hiểu hơn quyền lợi của mình hơn nữa, đại diện các nhóm, hội khuyết tật tại các địa phương kiến nghị: Nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông cũng cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết, các tiếp cận tư pháp cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được việc bị xâm hại, bạo hành để có thể mạnh dạn, dám lên tiếng...

 Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - TS. Dương Kim Anh nhấn mạnh: Một trong những điểm nhấn của Công ước CEDAW chính là chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng. Để làm được điều này, cần tăng cường thực thi pháp luật về bình đẳng giới đối với phụ nữ, trẻ em gái nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng. Bản thân phụ nữ khuyết tật cần phải mạnh dạn tham gia các tổ chức xã hội, hoạt động xã hội; tuyên truyền, vận động mọi người cùng tiếng nói chung với mình. Từ đó, phụ nữ khuyết tật mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng, lên tiếng về quyền lợi họ được hưởng.

Bài và ảnh: Bảo Hân