Gieo hạt mầm cho tương lai di sản

Bài cuối: Khi cộng đồng chủ động bảo tồn di sản

- Thứ Tư, 24/02/2021, 06:13 - Chia sẻ
Phát huy vai trò của cộng đồng - chủ thể di sản, tập trung vào thế hệ tiếp nối, một chuỗi hoạt động đã được tổ chức, liên kết với nhau, cùng một lúc tác động tới di sản theo nhiều hướng: truyền dạy, tạo cơ hội trình diễn, nâng cao hiểu biết; vừa bảo tồn vừa khai thác di sản, làm nên sức hấp dẫn về du lịch...

Cách tiếp cận mới

Điều quan trọng là kéo được cộng đồng tham gia quá trình bảo tồn di sản. Một khi cộng đồng coi di sản là của mình, thực hành, lưu giữ, tự quyết định các vấn đề liên quan đến di sản thì quá trình bảo tồn sẽ khác” - ông Cao Trung Vinh, điều phối dự án Di sản kết nối nhận định như vậy khi trực tiếp làm việc cùng cộng đồng tại Gia Lai và Ninh Thuận.

Thực tế, khi dự án tổ chức lớp truyền dạy âm nhạc ở Bàu Trúc, Ninh Thuận, các nghệ nhân, người kỳ cựu thực hành âm nhạc trực tiếp truyền dạy cho các bạn trẻ. Năm 2018 - 2019, dự án đã đào tạo được 2 nhóm, khoảng 35 - 36 em từ 12 - 20 tuổi thực hành các nhạc cụ quan trọng của người Chăm như trống ghinăng, paranai và kèn. Sau đó, Ban phong tục của làng mong muốn các thành viên chơi được nhạc trong nghi lễ, và chọn 14 - 15 người trong số đó để học nâng cao. Quá trình truyền dạy được sự quan tâm, giám sát của cộng đồng, vì họ thấy được trách nhiệm bảo vệ di sản, cổ vũ thế hệ trẻ tiếp nối gìn giữ âm nhạc Chăm.

Lớp truyền dạy nhạc Chăm tại làng Bàu Trúc
Ảnh: Cao Trung Vinh

Hay khi cộng đồng Mơ H'ra ở Gia Lai trăn trở muốn khôi phục vai trò của nhà rông, dự án đề xuất ý tưởng biến nơi đây thành nhà trưng bày truyền thống. Ban đầu tưởng khó thực hiện, nhưng sau khi trao đổi, tập huấn, chính cộng đồng hào hứng đem tới những bộ cồng chiêng, vật dụng liên quan tới phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng, thậm chí tham gia vào quá trình chuẩn bị trưng bày…

Ông Cao Trung Vinh cũng cho biết: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, lễ hội cồng chiêng được chính quyền đứng ra tổ chức, phô diễn vẻ đẹp của âm nhạc miền cao nguyên. Lễ hội được tổ chức có hiệu quả tốt, nhưng không đúng với mong muốn của cộng đồng. Khi dự án được thực hiện tại Mơ H’ra, cộng đồng có nguyện vọng tổ chức lễ hội. Khá bất ngờ là các làng bên cạnh cũng bày tỏ ý muốn tương tự. Bởi vậy, vào tháng 2.2020, cộng đồng và chính quyền xã Kông Lơng Khơng, huyện K’bang, đã tổ chức Lễ hội di sản cộng đồng, với sự tham dự của gần 2.000 người đến từ các cộng đồng lân cận…

Có thể thấy, khi cộng đồng hiểu, trân trọng di sản của mình, họ sẽ có những hoạt động tôn vinh giá trị của quá khứ trong thế giới thay đổi liên tục của hiện tại.

Hiện nay, các chuyên gia đang hỗ trợ cộng đồng làm bộ công cụ để kể chuyện về di sản. Dự án sẽ tiếp tục được nối dài với các hoạt động như duy trì câu lạc bộ âm nhạc, du lịch cộng đồng, hỗ trợ truyền thông số… Ông Cao Trung Vinh đề xuất nên kéo dài các hạng mục trong dự án, giám sát thực hiện chuyển giao để hiệu quả dự án được bền vững; tư liệu hóa một số ấn phẩm cho cộng đồng… Ngoài ra, nếu mô hình dự án thực hiện có kết quả tốt, có thể đề xuất nhân rộng.

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Hiện tại, âm nhạc truyền thống ở nhiều cộng đồng chỉ còn rất ít người nắm giữ. Di sản chỉ có thể nhen nhóm, hồi sinh, khi được gieo mầm trở lại vào cộng đồng, vào giới trẻ - thế hệ kế cận, khán giả tương lai cho di sản. Bởi vậy, làm sao thu hút giới trẻ chú ý tìm hiểu và yêu di sản là điều vô cùng quan trọng. Ở Ninh Thuận, dự án thành lập Câu lạc bộ làm phim, tổ chức chuỗi workshop làm phim dành cho trẻ em tại làng Bỉnh Nghĩa do cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và nhóm các nhà làm phim độc lập thực hiện. Các em nhỏ ghi lại những hoạt động tương tác của cộng đồng với di sản âm nhạc trong cuộc sống hàng ngày và dựng thành 5 phim ngắn, là cái nhìn sống động và chi tiết về đời sống của âm nhạc Chăm. Đây cũng là cơ hội để người làm phim và giới trẻ tìm hiểu, quảng bá di sản.

Ở Mơ H’ra, workshop photovoice cũng được tổ chức để các em nhỏ có thể kể câu chuyện về di sản của dân tộc mình qua ảnh. Dự án mang đến cho giới trẻ cơ hội tìm hiểu về di sản và thêm tự hào về nó. Qua những câu chuyện được kể bằng ảnh, những người trẻ trong làng cũng biết thêm về truyền thống của dân tộc.

Với di sản cải lương, ngoài nghiên cứu, trưng bày và ra ấn phẩm về lịch sử truyền miệng cải lương, các lớp truyền dạy, trò chuyện cũng được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, do nghệ sĩ và diễn viên có thâm niên trong nghề thực hiện, hướng đến thanh thiếu niên, cũng như khán giả yêu thích cải lương...

Thời gian vừa qua, nhiều di sản vẫn được trao truyền cho thế hệ trẻ, nhưng theo ông Cao Trung Vinh, hiện nay, giới trẻ không chỉ ở trong không gian làng, có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại hấp dẫn hơn, vì thế, phải có cách tiếp cận mới, góc nhìn khác, để đưa di sản tới giới trẻ. Đó là ảnh, là phim, câu lạc bộ giao lưu, thực hành di sản… Các bạn trẻ học âm nhạc không nhất thiết phải thực hành được, mà đôi khi chỉ hiểu, từ đó thêm yêu và có thể tham gia bảo tồn, lưu giữ bản sắc của dân tộc mình, cộng đồng mình.

Khi thiết kế dự án, chúng tôi hy vọng có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về di sản họ đang nắm giữ, đồng thời tạo cơ hội phát huy di sản này trong đời sống hàng ngày của họ. Mong rằng sự kết nối các cộng đồng, địa phương, tổ chức phối hợp sẽ dần được lan rộng hơn nữa. Đặc biệt với thế hệ trẻ, chúng tôi tin rằng, khi các bạn hiểu giá trị di sản của dân tộc mình, thì có thể phát huy không chỉ trong cộng đồng, mà còn kết nối với các cộng đồng khác, với các loại hình di sản văn hóa khác, mang lại lợi ích cho tương lai” - bà Phạm Minh Hồng - Quản lý dự án Di sản kết nối - kỳ vọng.

Thảo Nguyên