Thực thi Công ước CITES

Bài cuối: Không chỉ hoàn thiện chính sách

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:33 - Chia sẻ
Thực tiễn 27 năm thực thi Công ước CITES cho thấy không chỉ vướng mắc từ những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo mà còn không ít vấn đề ở hệ thống cơ quan quản lý, thực thi Công ước. Chính vì lẽ đó, không chỉ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; mà cần kiện toàn hệ thống Cơ quan quản lý CITES.

Lắm mối, nhưng nhân lực mỏng

Việc thực thi Công ước CITES mang tính liên ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ định Cơ quan quản lý CITES và sử dụng cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp, thủy sản còn các bộ khác có các vụ/cục chuyên môn thực hiện. Tuy nhiên, các cơ quan này không có bộ phận chuyên trách mà chỉ kết hợp thực hiện thêm các nhiệm vụ của Công ước hoặc tham gia phối hợp khi có vụ việc. Do vậy, nhân lực tham gia quản lý CITES ở các cơ quan quản lý nhà nước hiện thiếu cả về người, nguồn lực tài chính, trang thiết bị hoạt động và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Các cá thể tê tê được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Nguồn ITN

Theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, cơ quan thẩm quyền quản lý Công ước CITES thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thực hiện 12 chức năng, nhiệm vụ. Song, hiện cơ quan này chỉ là một đơn vị cấp Vụ thuộc Tổng cục Lâm nghiệp với 9 biên chế (ở miền Nam và miền Trung chỉ có đại diện) nên chỉ đủ nguồn lực để thực hiện việc cấp phép đối với các loài thuộc Phụ lục I CITES, các hoạt động giám sát, kiểm tra các hoạt động của các cơ sở nuôi hầu như chưa được triển khai.

Ở địa phương do không có tổ chức, nhân lực, nên phải sử dụng lực lượng kiểm lâm, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Tuy nhiên, do phải đảm nhận nhiều vai trò trong quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng nên chưa thực thi đầy đủ nhiệm vụ quản lý loài nguy cấp, quý hiếm thuộc Phụ lục II, III của Công ước. Vì vậy, một số hoạt động thực thi Công ước vẫn chưa được thực hiện thường xuyên như kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu động vật, thực vật hoang dã tại các khu vực cửa khẩu; yêu cầu về lấy mẫu giám định và xử lý mẫu vật là tang vật của các vụ bắt giữ, tăng cường phối hợp, điều tra, xử lý các loại tội phạm xuyên biên giới…

Qua giám sát ở một số địa phương cho thấy, việc cấp phép, quản lý các cơ sở gây nuôi các loài thuộc Phụ lục II Công ước CITES chưa thống nhất. Có nơi giao Chi cục Kiểm lâm thực hiện, có nơi giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp phép nuôi trồng nên việc kiểm tra, thống kê, báo cáo còn khó khăn. Số lượng cơ sở gây nuôi lớn, nhưng nguồn nhân lực của Cơ quan quản lý CITES lại mỏng nên việc thẩm định để cấp phép, giám sát hoạt động của các cơ sở gây nuôi là một thách thức lớn.

Ở địa phương, cơ quan kiểm lâm, cơ quan thủy sản cấp tỉnh cũng chỉ tập trung cho việc cấp phép, cấp mã số, việc thống kê, kiểm tra, xác thực hoạt động của cơ sở nuôi còn hạn chế. Do vậy, ở một số nơi có tình trạng chủ cơ sở nuôi đã dùng các thủ đoạn tinh vi để “qua mặt” lực lượng thực thi pháp luật.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có liên quan, nhất là Luật Đa dạng sinh học để quy định thống nhất về Danh mục loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp; phân định rõ chế độ quản lý, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với các nhóm loài trong Danh mục này, tránh chồng chéo, phân tán về nguồn lực. Đồng thời bổ sung thẩm quyền của cơ quan kiểm lâm trong xử lý vi phạm cũng như trong khởi tố vụ án hình sự trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự...

Đồng tình với đề xuất nêu trên, đại diện Bộ Công an bổ sung thêm, cần rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn về định giá tài sản là động vật hoang dã, về thời gian tạm giữ tang vật. Đối với vi phạm về loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, không nên căn cứ theo giá trị tang vật mà nên căn cứ vào số lượng cá thể hoặc trọng lượng vì đây là đối tượng cấm mua bán, vận chuyển nên rất khó xác định giá.

Là một trong những tỉnh có nhiều cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk nêu thực tế, việc gây nuôi như hiện nay vô tình lại mang lại nhiều thách thức cho việc bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do đó thời gian tới cần định hướng, xây dựng các mô hình gây nuôi động vật hoang dã có tính kinh tế hiệu quả cao, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký gây nuôi động vật hoang dã theo quy định, bảo đảm nguồn gốc và tìm kiếm đầu ra hợp pháp góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.

Bên việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì thực tiễn 27 năm thi hành Công ước này cho thấy, để nâng cao hiệu quả thực thi Công ước cần kiện toàn hệ thống Cơ quan quản lý CITES theo hướng ở Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cơ quan quản lý Cites ở hầu hết các nước đều được tổ chức thành cơ quan trực thuộc Bộ), ở địa phương có cán bộ theo dõi trên cơ sở sử dụng lực lượng kiểm lâm, thủy sản cấp tỉnh hiện có. Đồng thời tăng thẩm quyền cho Cơ quan này trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, xử lý tang vật vi phạm và bảo đảm điều kiện trang thiết bị cần thiết để hoạt động. Bổ sung nguồn lực cho các đơn vị chức năng của Bộ trong thực thi Công ước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin, báo cáo và phối hợp hoạt động với Cơ quan quản lý CITES.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có trên 150 loài động, thực vật hoang dã đang được nuôi, trồng tại hàng chục nghìn cơ sở gây nuôi, trong đó có nhiều loài quý, hiếm như trăn đất, trăn vàng, cá sấu nước ngọt, khỉ đuôi dài, một số loài rắn với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm ước đạt khoảng trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã cũng tiềm ẩn các nguy cơ về dịch bệnh, gây nguy hiểm cho con người và môi trường, một số cơ sở lợi dụng việc gây nuôi để buôn bán trái phép động vật hoang dã. 

Hoàng Tuấn