Quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

Bài cuối: Không để "nhờn" luật

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 06:06 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã. Tuy vậy, để ngăn chặn tội phạm buôn bán, nuôi nhốt trái phép... đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương cần nghiêm túc hơn trong việc chỉ đạo thực thi pháp luật, tránh để “con voi chui lọt lỗ kim” như một số vụ việc vừa qua.

Thực hiện chưa đến nơi, đến chốn

Để hạn chế tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, ngày 19.7 Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn 13-HD/BTGTW tăng cường tuyên truyền thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho thế hệ trẻ chung tay bảo tồn, hướng đến mục tiêu giảm thiểu nhu cầu sử dụng, đẩy lùi nguy cơ săn, bắt, buôn bán, góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Trở lại vụ việc ngày 4.8 vừa qua khi lực lượng chức năng phát hiện 17 con hổ được nuôi nhốt trong hầm nhà của hộ dân xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, dư luận cho rằng: câu chuyện nuôi nhốt hổ tại khu dân cư vốn không phải là chuyện mới và lần đầu tiên được phát hiện. Bởi, trước đó đầu năm 2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) đã bắt quả tang vụ giết thịt 5 con hổ tại nhà ông Cao Xuân Toàn (trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) để nấu cao. Cách đây ít ngày, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cũng bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 3 con hổ con không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ.

“Việc để nhờn luật tại địa phương này phải chăng có sự tiếp tay của chính quyền địa phương? hay tại quy định pháp luật còn những kẽ hở, khoảng trống?” - Anh Nguyễn Văn Phương (người dân ở Hà Nội) đặt vấn đề.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: thực tế kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế CITES về buôn bán các động vật hoang dã nguy cấp, nước ta đã ban hành khá nhiều luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các luật về bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói chung, động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nói riêng, như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản... Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” tại Điều 234 và “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” tại Điều 244 với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nhất là đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Mặc dù hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã được ban hành nhiều, song việc thực thi chưa tốt, việc tuyên truyền đến người dân chưa đến nơi đến chốn. Để xảy ra tình trạng nuôi nhốt hổ bất hợp pháp trong nhà dân là có một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đạt hiệu quả cao. Các ngành chức năng cũng chưa thường xuyên kiểm tra các quán ăn, nhà hàng, các điểm kinh doanh, chưa dành nhiều công sức tăng cường vận động người dân ký cam kết không nuôi, nhốt, mua bán, sử dụng, trưng bày, còn xuề xòa cho qua các quảng cáo về mua bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm trên mạng. 
 

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc buôn bán động vật haong dã quý hiếm, nguy cấp

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử nghiêm vi phạm

Với những vụ xử lý hình sự đối tượng mua bán vật chuyển động vật hoang dã nguy cấp như trong thời gian gần đây có thể thấy, nhà nước ta ngày càng đánh giá hậu quả từ việc săn bắt, buôn bán, gây nuôi trái phép mà động vật hoang dã có thể đem lại, từ đó có các khung hình phạt thỏa đáng. Đơn cử, mức hình phạt cho hành vi quảng cáo buôn bán động vật hoang dã trái phép như các loài được coi là hàng cấm trên mạng, xử phạt từ 70 triệu đồng; với những vi phạm về buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, tùy theo tính chất, đã có thể xử lý hình sự.

“Thực tế nhiều vụ việc đã có bản án 10, 13 năm tù giam, như trường hợp vận chuyển buôn bán hơn 100 cá thể tê tê ở Quảng Ninh là ví dụ. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã cực lớn, sánh ngang lợi nhuận ma túy, hàng giả, buôn bán người, nên nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp rủi ro pháp lý, cố tình vi phạm - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cho biết.

Do vậy, để ngăn chặn tình trạng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép, bà Hà cho rằng: hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm những vi phạm. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, kịp thời đưa ra xét xử công khai, lưu động, bảo đảm tính răn đe cho xã hội. Đặc biệt, khi nhiều địa phương còn hạn chế về năng lực điều tra, xử lý, nên chăng hạn chế chuyển giao các vụ việc về cho các địa phương điều tra, xử lý để tránh “chìm xuồng”.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “nhờn luật” như việc tái diễn nuôi nhốt hổ tại một số huyện của tỉnh Nghệ An như trong thời gian qua, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó cần phát huy vai trò của các lực lượng: Công an, Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường… trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã, chủ động tham gia vào công tác giám sát, phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm.  

Bài và ảnh: H.Thanh - D.Thúy