Đổi mới và kiến tạo kinh tế quốc gia:

Bài cuối: Kiên quyết và đột phá trong tổ chức thực tiễn

- Thứ Ba, 10/11/2020, 07:25 - Chia sẻ
Nội dung thứ hai cần tập trung làm tốt, đó là tư duy về biện chứng giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, cần tiếp tục tiếp cận, nắm lấy và thực thi.

Xóa bỏ tư duy cát cứ, lợi ích nhóm

Thực tiễn sau gần 35 năm Đổi mới đang đòi hỏi cấp bách “cơ cấu lại” tư duy, thậm chí “đảo lộn” về tư duy trên phương diện này, nếu không muốn tụt hậu xa hơn trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, trước hết, tư duy kinh tế giản đơn cộng với tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng (do ảo tưởng hoặc rơi vào chủ nghĩa thành tích…) đưa đến tình trạng chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, các giải pháp trở nên chủ quan, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế. Sự lạc hậu tư duy này dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch tổng thể nền kinh tế quốc gia, sự phát triển cắt khúc, khép kín hoặc vá víu ngành, vùng, địa phương, trong định hướng về chính sách tái cơ cấu tăng trưởng, chính sách đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực, các ngành mũi nhọn, của địa phương và quốc gia.

Hai là tư duy "sùng bái hóa" vai trò của Nhà nước trong tổ chức thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế. Các quyết sách về hình thành, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế, các thành phần kinh tế, hệ chính sách tăng trưởng, thường dựa trên ý chí chủ quan của Nhà nước, không coi trọng hoặc đặt vị trí thứ yếu vai trò của thị trường. Sai lầm này trong tư duy đã dẫn đến những bất hợp lý và không thành công trong định hướng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, trong sự tồn tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, trong quá trình thực hiện giải phóng sức sản xuất của khu vực tư nhân... Tất cả đã làm suy yếu không đáng có nền kinh tế.

Ba là tư duy cát cứ, cục bộ, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích một cách ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ, đã chi phối quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế, hệ chính sách đòn bẩy… vô hình triệt tiêu tính khách quan cần thiết của các tính quy luật của kinh tế, quy luật vận động của thị trường. Những méo mó, lệch lạc đó dẫn tới hệ lụy trong hoạch định và thực thi thể chế, chính sách; dung dưỡng sự khép kín bởi lợi ích nhóm trong từng bộ, ngành, địa phương hoặc tạo nên nhóm lợi ích...

Hoàn tất chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập

Nội dung thứ ba, đó là kiên quyết và đột phá về tổ chức thực tiễn. Trên phương diện này, có thể hình dung tối thiểu 7 vấn đề.

Một, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Hai, hoàn thiện thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học - công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo. Việc tạo khuôn khổ pháp lý thích ứng với các nguyên tắc thị trường là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển mạnh thị trường đất, quyền sử dụng đất một cách thực sự thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Ba, đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Bốn, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. 

Năm, Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường cũng như quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển. Nhà nước chủ động kiểm soát, tác động vào thị trường để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường.

Sáu, cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ Chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Bảy, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, bảo đảm thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp. Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt. Đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, bảo đảm thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường. Nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Bảo đảm nhất quán giữa luật pháp và thực thi pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp một cách chủ động, rộng mở và bình đẳng.  

Phát triển thị trường và kiến tạo thể chế tương dung, bắt đầu từ tư duy và hành động một cách kiên quyết, kiên trì và sáng tạo là con đường đã mở để phát triển không ngừng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chưa có con đường nào khác tốt hơn!

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản