Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử

Bài cuối: Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin

- Thứ Năm, 30/09/2021, 07:51 - Chia sẻ
Trong cuộc sống, ai cũng cần thông tin. Là đại biểu dân cử, càng cần nhiều thông tin và thông tin đa chiều mới có thể xem xét thấu đáo, chính xác trước khi biểu quyết để quyết định một vấn đề nào đó, cũng như xem xét, đánh giá đúng khi thực hiện chức năng giám sát. Vì thế, mỗi đại biểu cần có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin.

 “Nguyên liệu” cơ bản nhất thực hiện nhiệm vụ đại biểu

Trong hoạt động của cơ quan dân cử, thông tin là cơ sở để hình thành các quyết định (nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật), đồng thời là căn cứ tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện các quyết định đó. Đó là “nguyên liệu” cơ bản nhất thực hiện nhiệm vụ đại biểu, giúp cho đại biểu tự tin, chủ động, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tại nghị trường; để dám nói, nói đúng, nói trúng.

Hội nghị trực tuyến TXCT và tham vấn Nhân dân trước Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVII, sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV trên phạm vi toàn tỉnh Hà Giang
Hội nghị trực tuyến TXCT và tham vấn Nhân dân trước Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVII, sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV trên phạm vi toàn tỉnh Hà Giang

Từ vai trò quan trọng của thông tin và tạo điều kiện để đại biểu thu thập thông tin, Điều 35 Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành) và Điều 99 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành) đều quy định quyền của đại biểu được yêu cầu cung cấp thông tin: Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Cần có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin

Trong các hoạt động của cơ quan dân cử, mỗi đại biểu cần những thông tin nhiều chiều, chứ không chỉ “tin” vào các báo cáo “một phía”. Bởi, báo cáo của các cơ quan gửi cho đại biểu thường phản ảnh những thông tin tích cực (kết quả, thành tích), rất ít hoặc sơ sài việc đánh giá hạn chế, yếu kém, nhưng đại biểu lại cần thông tin là những “góc khuất”, những “ý kiến trái chiều” của vấn đề để đưa ra ý kiến đánh giá mang tính phản biện. Nhu cầu thông tin của đại biểu rất lớn, nếu không biết cách thu thập, xử lý sẽ bị "rơi" vào bể thông tin, khó tìm được thông tin hữu ích. Xác định đúng nhu cầu thông tin sẽ giúp cho việc thu thập thông tin có trọng tâm, đúng hướng, bảo đảm thu thập được các thông tin cần thiết, khắc phục tình trạng thu thập dàn trải, nhiều mà lại thiếu thông tin cần thiết theo yêu cầu công việc.

Để phục vụ cho hoạt động của mình, các hoạt động đều phải có các thông tin cơ bản, được thu thập từ các nguồn sau: Thông tin trong các báo cáo, tờ trình, đề án, các văn bản do các cơ quan gửi đến trình kỳ họp; thông tin trong các văn bản pháp luật, nghị quyết đang còn hiệu lực; về tình hình kinh tế - xã hội, nguồn lực trong nước, địa phương; kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở chu kỳ trước; tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, nhân dân; những vấn đề bức xúc ở địa phương... Mỗi hoạt động cụ thể lại cần những thông tin cụ thể ở mức độ khác nhau.

Việc xác định nhu cầu thông tin phục vụ cho mỗi hoạt động được xác định thỏa mãn các câu hỏi sau: Vấn đề đang giải quyết cần có những thông tin nào? So với thông tin đã có, còn thiếu những thông tin gì? Độ tin cậy và tính chính xác đến đâu? Từ đó, xác định cách thức thu thập thông tin, đại biểu có thể sử dụng các cách thức thu thập, như:

Nghiên cứu tài liệu, là các báo cáo, văn bản, dự thảo văn bản... do các cơ quan liên quan gửi đến; các văn bản pháp luật, nghị quyết đang có hiệu lực... Với khối lượng văn bản nhiều, đại biểu cần có phương pháp đọc tài liệu và thu thập thông tin: Chọn tài liệu để đọc, xắp xếp tài liệu theo thứ tự ưu tiên, phân nhóm tài liệu theo lĩnh vực…; câu hỏi, đọc tài liệu này để lấy thông tin gì? Đồng thời, cần rèn luyện kỹ năng đọc nhanh: Xem phần tóm tắt, phần đánh giá chung hoặc mục lục tài liệu (sẽ đoán biết trong đó có thông tin cần tìm hay không); kỹ thuật đọc lướt: Xem lướt nhanh (lướt ngang, rồi lướt dọc trang sách) để chọn thông tin cần và và bỏ qua thông tin không liên quan; ghi chú thông tin cần thiết vào lề tài liệu hoặc vào sổ tay.

Tập hợp thông tin trong quá trình hoạt động, thu thập thông tin qua hoạt động TXCT, tiếp công dân, hoạt động giám sát, khảo sát; thu thập từ dư luận xã hội, qua các phương tiện thông tin đại chúng...

Thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Thực hiện theo quy định tại điều 35, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 99, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2019), để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến những vấn đề đại biểu cần.

Thu thập thông tin bằng hình thức lấy ý kiến chuyên gia. Đối với ĐBQH được hỗ trợ, tạo điều kiện để thuê chuyên gia, tư vấn. Đại biểu HĐND, đại biểu có thể gửi tài liệu để xin ý kiến hoặc gặp gỡ các chuyên gia để tư vấn về vấn đề đại biểu quan tâm.

Khi thông tin thu thập được có những nội dung trái ngược hoặc còn "nghi ngờ", cần xử lý, kiểm chứng trước khi sử dụng, bằng các phương thức như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức giải trình làm rõ thêm (nếu là thông tin trong các văn bản, báo cáo); khảo sát đánh giá qua ý kiến của nhân dân, cử tri, các tổ chức xã hội... Có thể dựa vào các tiêu chí sau đây để đánh giá độ tin cậy của thông tin: Thông tin đó được cung cấp từ nguồn nào (chính thống hay dư luận); có mang tính đại diện (số đông) hay chỉ là thiểu số; ai cung cấp (độ tin cậy phụ thuộc vào chức vụ, trình độ, năng lực của người cung cấp thông tin); thông tin đã được đối chiếu khi có mâu thuẫn giữa các nguồn tin chưa?...

Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương