HĐND tỉnh Hà Tĩnh giám sát việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bài cuối: Xác định các điểm “nghẽn” để từng bước tháo gỡ

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:06 - Chia sẻ
​​​​​​​Bên cạnh yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, chủ động sớm xây dựng Đề án và chính sách thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, cần xác định các điểm “nghẽn” để từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển như: Thủ tục về đất đai, cách thức tiếp cận các chính sách của tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tư vấn, hướng dẫn...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Tại các cuộc làm việc của Đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nhận thức về Chương trình OCOP của một số cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế; một số cơ sở tham gia Chương trình vẫn còn thiếu chủ động. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác chưa bảo đảm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất vẫn còn hạn chế. Chưa huy động được doanh nghiệp đầu tư, nhất là phát triển liên kết sản xuất; các cơ sở tham gia Chương trình chưa chủ động đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Số lượng sản phẩm OCOP được cấp sao còn ít, quy mô còn nhỏ.

Từ thực tế trên, cùng với kiến nghị tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; có chính sách duy trì các sản phẩm đã đạt sao, các địa phương cũng đề xuất việc quan tâm, sớm tổ chức các lớp tập huấn về khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh cho các cơ sở; tổ chức cho các cơ sở đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh để tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất.

Đoàn giám sát cũng đề nghị ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về việc thực hiện Chương trình; soát xét và có định hướng chung toàn tỉnh về phát triển các sản phẩm theo nhóm sản phẩm có tầm thương hiệu chung của tỉnh, huyện. Cùng với đó là có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm chủ lực.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với UBND tỉnh về Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh

Ảnh: Nguyễn Hoa 

Lấy chất lượng sản phẩm xây dựng thương hiệu

Tại buổi làm việc với Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), các sở ngành liên quan, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm, vai trò và sự chủ động của các chủ thể tham gia Chương trình; quan tâm đến công tác tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở trong xây dựng, lựa chọn, phát triển sản phẩm; tăng cường rà soát, lựa chọn sản phẩm theo đúng tiêu chí sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối sản phẩm...

Khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát đề nghị các địa phương đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn Chương trình OCOP để nâng cao nhận thức, định hướng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao chất lượng các sản phẩm… Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm, vai trò và sự chủ động của các chủ thể tham gia Chương trình. Quan tâm công tác tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở trong xây dựng, lựa chọn, phát triển sản phẩm.

Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh với các địa phương việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; chọn lọc, nâng cao năng lực của các đơn vị tư vấn để phát triển sản phẩm. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở trên địa bàn phát triển các sản phẩm về tiêu chuẩn, mẫu mã bao bì, đăng ký bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo phát triển, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm mang tính đặc sản vùng miền; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối sản phẩm. Quan tâm xây dựng kho chế biến, nâng cấp các gian hàng trưng bày…

Làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề giám sát này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y nhấn mạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn Chương trình OCOP để nâng cao nhận thức, định hướng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, cần xác định các điểm “nghẽn” để từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển như: Thủ tục về đất đai, cách thức tiếp cận các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tư vấn, hướng dẫn... Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo, đôn đốc, chủ động sớm xây dựng Đề án và chính sách thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Thành Lê