Công tác phòng, chống tham nhũng - quyết tâm và hành động

Bài cuối: Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế

- Thứ Năm, 24/12/2020, 08:10 - Chia sẻ
Đi đôi với tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Đây là một trong những kinh nghiệm được rút ra từ kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Tuyệt đối không tham vọng quyền lực

Nhận rõ vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Từ năm 2013 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, với Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4.8.2017 “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, lần đầu tiên Đảng ta đã ban hành văn bản quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định số 90-QĐ/TW nêu rõ, cán bộ thuộc diện nêu trên “phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.

Tiếp đó, với Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23.9.2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, Đảng đã ban hành quy định riêng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định số 205-QĐ/TW giới hạn kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, được xem là kiểm soát ở “cửa ngõ” của bộ máy nhà nước. Sự ra đời của Quy định số 205-QĐ/TW chính là nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác cán bộ. Đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các trường hợp có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ, đảng viên để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền...

Về kiểm soát đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, Quy định số 205 chỉ rõ: “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng không được để người khác, nhất là bố, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ”. Thực tế, tình trạng người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền can thiệp vào công tác cán bộ vẫn còn diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị. Cho nên, việc đặt ra quy định này chính là bước kiểm soát sự lạm quyền, thao túng đang diễn biến phức tạp trong công tác nhân sự ở không ít nơi. Đặc biệt, việc xử lý người có hành vi chạy chức, chạy quyền và tiếp tay, bao che cho chạy chức, chạy quyền bảo đảm nghiêm minh, nghiêm khắc. Trường hợp bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra...

Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, “cho đến nay các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ; cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện”. Và đặc biệt, “vừa qua chúng ta đã làm tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”, Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chỉ rõ.

Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng ở Việt Nam có thể phát sinh trong thể chế, cơ chế, chính sách; trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thẩm quyền; trong kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ pháp luật như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử… Nói cách khác, tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Và cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa". Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.

Nhìn nhận kiểm soát tài sản, thu nhập của từng thiết chế trong xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn là chế định “quan trọng nhất” của phòng chống tham nhũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Nhà nước kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi thiết chế trong xã hội không chỉ là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng mà còn phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước. Việc làm rõ chế độ trách nhiệm công vụ đối với từng vị trí công tác theo phương châm “đúng vai - thuộc bài” cần được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn về cán bộ ở từng cấp: cấp chiến lược, cấp trung ương, cấp địa phương, cấp cơ sở, tránh tình trạng quy định chung chung ai “chiếu” vào cũng thấy mình đủ tiêu chuẩn… “Chỉ khi rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác cùng với làm tốt thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước và các công tác khác thì mới có khả năng ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn “không thể” tham nhũng”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Với cái nhìn biện chứng và toàn diện như vậy, Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không ngừng, không nghỉ, thiếu quyết liệt; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của cả nhiệm kỳ là: "Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI”. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII tiếp tục khẳng định nhiệm vụ "Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Điều đó có thể hiểu, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa, tình trạng tham nhũng còn diễn biến phức tạp và cuộc chiến chống tham nhũng không thể chùn bước.

Nhưng rõ ràng, những kết quả và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, là những bài học quý để các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy có những giải pháp cụ thể để lãnh đạo hệ thống chính trị các cấp thực hiện có hiệu quả bền vững hơn nữa công tác này trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Và một trong những bài học đó là phải kiểm soát được việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng", Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh.

Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục "biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế", khẳng định quan điểm nhất quán "nói đi đôi với làm" của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vô cùng gian nan nhưng "không thể không làm" trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo. Qua đó góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng cũng như niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

Lam Giang