Xây dựng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Bài cuối: Nâng tầm chất lượng cán bộ lãnh đạo

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:50 - Chia sẻ
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, “công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”(1).

Lãnh đạo phải là “ngọn cờ của niềm tin”

Để thực thi có hiệu quả cao nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phải nhìn thẳng vào sự thật của đội ngũ cán bộ, đánh giá đúng sự thật; kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”, trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực lớn.

Điều quan trọng bậc nhất đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo lúc này là phẩm chất chính trị tư tưởng. Đó là nhận thức sâu sắc và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các nhà lãnh đạo, quản lý quyết không thể thiếu hụt những vấn đề này. Vì chỉ một thoáng chần chừ trong suy nghĩ, một hành động tỏ ra thiếu vững vàng hay do dự ở niềm tin là đã có tác động “công phá” lòng tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức dưới quyền và Nhân dân.

Đã là cán bộ lãnh đạo thì phẩm chất phải trong sáng, chuẩn mực; năng lực phải dồi dào, đủ sức xử lý được công việc trong mọi tình thế; sớm tìm ra hướng giải quyết những tình huống khó khăn, phức tạp nhất; đồng thời phải có uy tín cao, luôn là niềm tin vững chắc cho người dưới quyền. Người lãnh đạo phải là tấm gương mẫu mực mà bình dị, bất kỳ ai cũng có thể học tập được. Về tâm lý, cấp dưới bao giờ cũng mong muốn học hỏi ở cấp trên trong xử lý chuyên môn nghiệp vụ và cả trong lối sống đời thường.

Những giải pháp thiết yếu

Chúng ta đã thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, một hành động thực tế đem lại hiệu quả thiết thực có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn thuyết giảng hùng hồn. Nhân dân ta cũng có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Thực tiễn hoàn toàn đúng như thế.

Những nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong điều kiện khó khăn, phức tạp nhiều mặt. Điển hình là, phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”, kết quả tuy là bước đầu song người dân vô cùng phấn khích và tin tưởng. Hay trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, tác hại lớn gấp nhiều lần so với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương, đời sống các tầng lớp dân cư, với mức độ nhất định từng bước được cải thiện, càng củng cố niềm tin thêm vững chắc trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bởi vậy, đi đôi với giữ vững, củng cố và nâng cao niềm tin là hành động cụ thể, thiết thực của đội ngũ lãnh đạo các cấp. Cụ thể trong nhiệm kỳ này là tổ chức chỉ đạo thực thi có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng, chống đại dịch thành công, vừa phát triển kinh tế, xã hội thắng lợi. Các nhiệm vụ kinh tế, xã hội bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP; kinh tế số đạt khoảng 20%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu là 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(2)...  

Trên quan điểm “xây” và “chống”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, phải “có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân”(3). Để thực hiện đúng đắn các biện pháp sàng lọc thì hàng năm phải đánh giá cán bộ một cách chính xác nhất. Nghị quyết số 26-NQ/TW Trung ương 7, Khóa XII ngày 19.5.2018 (4) (Nghị quyết số 26) đã vạch ra 5 nhóm khuyết điểm của cán bộ, đó là: Năng lực hạn chế, yếu kém; phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí; thiếu gương mẫu, uy tín thấp; cố ý làm trái, trục lợi; và các ngả đường chạy. Có thể coi đây là “tiêu đề” về khuyết điểm và căn cứ vào hậu quả của những khuyết điểm để sàng lọc. Cụ thể 5 nhóm khuyết điểm trên như sau:

Về năng lực hạn chế, yếu kém, theo Nghị quyết số 26: Nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế... Cách sàng lọc đối với những lãnh đạo mắc vào nhóm khuyết điểm này có thể là: phân loại cụ thể, nếu cán bộ mắc “toàn diện” các khuyết điểm, nhất là kỹ năng làm việc quá yếu kém thì thay thế ngay, vì nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, khó có thể khắc phục một sớm, một chiều. Những cán bộ chỉ mắc một, hai khuyết điểm thì gia hạn thời gian khắc phục không quá một năm.

Về nhóm khuyết điểm phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, Nghị quyết số 26 chỉ ra: Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Theo dư luận xã hội thì trong số này có không ít những người thuộc diện “con cha, cháu ông” ở nhiều cấp, nhiều ngành được đưa vào hàng ngũ, rồi cứ thể đẩy lên. Đây là thực tế phải quan tâm xử lý. Những cán bộ xét thấy chưa có đóng góp, chưa có công trạng gì, không có triển vọng và nhất là những cán bộ “loạng choạng” về tư tưởng chính trị, “lởm khởm” trong công việc lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ chắp vá... thì dứt khoát phải cho ra khỏi hệ thống.

Về nhóm khuyết điểm thiếu gương mẫu, uy tín thấp, Nghị quyết số 26 đã cụ thể hóa: Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... Các khuyết điểm trong nhóm này là rất trầm trọng. Mất uy tín chính là hậu quả của khuyết điểm, là kết cục của việc lâm vào một hay nhiều khuyết điểm trong nhóm. Những ai đã mắc vào các tội tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tốt nhất là tự nguyện rút lui - từ chức; xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ tội lỗi, vì đây là những trọng tội, là một trong những nguyên nhân gây nên những bức xúc xã hội. Không nên để người dân bị ám ảnh bởi trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý tồn tại những người có hành vi tham nhũng, “lợi ích nhóm”...

Về nhóm khuyết điểm cố ý làm trái, trục lợi, Nghị quyết xác định: Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng... Đây là lĩnh vực “đặc thù”, người lãnh đạo, quản lý trực tiếp nắm tiền của, tài sản của Nhà nước. Lẽ ra, số cán bộ lãnh đạo, quản lý này phải góp phần đắc lực giúp Đảng, Nhà nước tổng kết hoạt động thực tiễn đổi mới từ cơ sở để có thể có những quyết sách mới về lãnh đạo, quản lý cho sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp... Chẳng những họ không làm tròn nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao mà còn cố ý làm trái, trục lợi, vì lợi ích cá nhân, cục bộ. Chính họ là một trong những nguyên nhân của sự trì trệ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cách sàng lọc số cán bộ lãnh đạo, quản lý này là tiếp tục xử lý bằng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước như đã làm, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về khối lượng vật chất đã thất thoát. Tiếp đó là tuyển chọn, thay thế bằng những lãnh đạo, quản lý có tâm huyết, có đức độ, có năng lực và đặc biệt là phải có trình độ nghiệp vụ quản lý sản xuất kinh doanh...

Về nhóm người "chạy đua các ngả", Nghị quyết số đã liệt kê khá cụ thể các “con đường chạy”, đó là: tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Riêng nhóm khuyết điểm này phải “giải mã” cả hai chiều, “ai chạy” và “chạy ai”? Hai chiều có mối quan hệ nhân quả, “có chạy được thì người ta mới chạy”. Nhìn vào các “tuyến đường chạy”, khắc biết ai - cơ quan nào phụ trách các tuyến đường đó. Đã đến lúc các cơ quan phụ trách các “tuyến đường chạy” phải trả lời Đảng, Nhà nước và người dân vì sao họ chạy được, vô tư hay có điều kiện, điều kiện đó là gì? Đối với người chạy, phải kiểm tra xem “sức khỏe” của anh ta thế nào? Nghị quyết cũng đã khẳng định giải pháp này, đó là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương... Nhưng dư luận xã hội cho rằng, ai đó đã và đang dụng ý chạy để làm lãnh đạo, quản lý thì tốt nhất là cho “anh ta” chạy một mạch... ra ngoài quy hoạch luôn.

Hiện nay đang là thời gian chuyển giao các thế hệ cán bộ, từ các lớp cán bộ sinh ra và lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong các cuộc chiến tranh, chủ yếu được đào tạo trong nước và ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây; sang các lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Do đó, xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, thận trọng, khóa học, chặt chẽ và hiệu quả theo quan điểm “Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, chính là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững”.

________________________

(1) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập I, trang 96.

(2) Như (1), trang 112-113.

(3) Như (1), trang 179.

(4) Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về Công tác cán bộ (tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ).

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội