Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Làm gì để nền kinh tế cất cánh?

Bài cuối: Nhà nước kiến tạo phát triển bằng mục tiêu và pháp luật

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 07:55 - Chia sẻ
Từ những thành quả và những bất cập trong việc phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cách tự nhiên và tất yếu, cần xử lý mối quan hệ giữa các loại hình này, trực tiếp là doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Phát triển doanh nghiệp FDI, tạo môi trường và động lực phát triển doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Theo đó, cần cấp bách sửa chữa, kiến tạo về thể chế pháp lý quản trị và phát triển hệ thống pháp luật một cách ngang tầm và hiệu quả bảo đảm mối quan hệ tất yếu này.

Giải quyết ở tầm nhìn chiến lược về nội lực và ngoại lực

Trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại hiện nay, cần thấy do nội lực doanh nghiệp trong nước quyết định, nhưng làm gì và làm thế nào để liên kết được các lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhau? Phải chăng cần có những tập đoàn nhà nước lớn mạnh, cố nhiên không phải là cách thức tổ chức theo cung cách những “quả đấm thép” như trước đây? Phải chăng cần đặt niềm tin vào các tập đoàn tư nhân, xem đây là trụ cột lôi cuốn các doanh nghiệp nhỏ và vừa; và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng phải thay đổi một cách tương xứng và phù hợp; đồng thời, khắc chế sự thao túng của những tập đoàn “ngầm”, tập đoàn “sân sau” làm khuynh đảo và thậm chí làm nghiêng ngả lợi ích quốc gia?...

Vì vậy, trước hết phải giải quyết ngay từ tầm quan điểm ở tầm nhìn chiến lược về nội lực và ngoại lực trong việc xử lý và đổi mới quan hệ giữa các khu vực doanh nghiệp hiện nay, trên cơ sở đổi mới cách tiếp cận, cấu trúc lại và phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, cấp bách sửa chữa, kiến tạo về thể chế pháp lý quản trị và phát triển hệ thống pháp luật một cách ngang tầm và hiệu quả bảo đảm mối quan hệ tất yếu này. Tiếp tục đột phá trước hết trên phương diện pháp luật nhằm bảo đảm không chỉ bề rộng mà cả chiều sâu các hình thức hợp tác công - tư, phân bổ các lĩnh vực, ngành kinh tế tới bảo đảm điều kiện các mối liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp trên về sản xuất, kinh doanh; đồng thời, chủ động ngăn ngừa, khắc chế các dị tật (lợi ích nhóm, “minh bạch… dưới gầm bàn”, “doanh nghiệp sân sau”, quan - doanh nhất thể hay “hồn Trương Ba da hàng thịt”, thậm chí cả “tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước”, “rác hóa nền kinh tế”…) trong các mối liên hệ đa chiều, phức tạp giữa các loại hình doanh nghiệp là những vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa thành bại. Đồng thời, tập trung khai thông các “điểm nghẽn mạch” và kiểm soát chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý công khai, bình đẳng, nghiêm minh trong cấu trúc lại thị trường.

Ở tầm vĩ mô, tăng tốc chuyển đổi số nhằm tạo cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp hội nhập vào chuỗi công nghệ toàn cầu, các hộ kinh doanh vừa, nhỏ tới siêu nhỏ thông qua các nền tảng thương mại điện tử - cầu nối giữa các nhà cung cấp và khách hàng. Các doanh nghiệp cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực khi tham gia vào nền kinh tế số. Đầu tư nhanh cơ sở hạ tầng số, trong đó nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Tập trung phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số. Phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đa dạng…

Tất cả nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực và vươn ra thế giới, để doanh nghiệp nhà nước thực sự góp phần đóng giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phát triển xứng đáng góp phần trở thành động lực quan trọng và doanh nghiệp FDI vừa là môi trường vừa là động lực phát triển các doanh nghiệp Việt Nam có tính hệ thống chỉnh thể, hợp thành hệ động lực phát triển của nền kinh tế đất nước một cách xứng đáng.

Cần nhấn mạnh lần nữa rằng, vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân tiên phong có ý nghĩa quyết định thành công các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ nhằm góp phần chuyển mạnh từ tư duy về xây dựng nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu song hành với kinh tế động lực, chuyển mạnh từ lợi thế cạnh tranh tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh động lực và định vị thương hiệu về kinh tế trên thế giới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế mạng và trí tuệ nhân tạo. Đó chính là tầm nhìn, sự định vị và sự phát triển mang tầm chiến lược trên phương diện này.

Đổi mới trước hết và bắt đầu từ Nhà nước

Cần thiết khẳng định thêm một lần nữa rằng, trong mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội và doanh nghiệp, thì Nhà nước phải đi đầu đổi mới trước hết, tập trung làm tốt các công việc chính yếu. Một là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đưa kinh tế Việt Nam vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại. Hai là, đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường. Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, những “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường. Bốn là, xây dựng đội ngũ quản trị và điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững. Năm là, thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội... Sáu là, trên cơ sở đó, Nhà nước tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế, bảo đảm các điều kiện cần và đủ để đào tạo, rèn luyện đội ngũ doanh nhân thực sự giữ vai trò là người đi tiên phong xây dựng, tích lũy nội lực, để các doanh nghiệp mang sứ mệnh đứng mũi chịu sào hội nhập thế giới, theo chức năng và năng lực của chính họ một cách xứng đáng.

Nói khái lược, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển bằng mục tiêu và  pháp luật, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ về chính trị, kinh tế, pháp luật và con người… để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường, phát triển đất nước bằng cơ chế phù hợp và lấy mức độ phát triển kinh tế, xã hội làm thước đo đẳng cấp của sự phát triển và mức độ ảnh hưởng tới xã hội của các lĩnh vực kinh tế và đội ngũ doanh nghiệp; đến lượt nó, các phương diện, lĩnh vực kinh tế hay đội ngũ doanh nghiệp dù của Nhà nước hay tư nhân hay doanh nghiệp FDI đều được hưởng lợi và có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt trên nền tảng pháp lý một cách bình đẳng, minh bạch và định lượng. 

Công việc mấu chốt cần kíp tập trung đột phá đổi mới ở đây đối với chúng ta là vấn đề thể chế. Nói đến thể chế, trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước hiện nay, thông qua các việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô, đòn bẩy và hệ thống pháp luật đối với việc quản trị nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước, trước hết và trực tiếp là đội ngũ các doanh nghiệp ở tất cả các thành phần và khu vực kinh tế. Nói xác đáng, đó chính là mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - và xã hội, xét ở mọi chiều cạnh từ kinh tế tới chính trị, văn hóa, đối ngoại, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế hay đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam.                  

Toàn bộ sự dự báo và phác thảo trên cốt để nhấn mạnh rằng, chúng ta dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số, với nhân tố và động lực lớn là kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác, bằng những đột phá về thể chế, dưới sự dẫn dắt của kinh tế nhà nước làm chủ đạo, làm nền tảng căn bản chủ động đổi mới toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ, chuẩn bị nội lực đủ mạnh để nền kinh tế quốc gia có thể cất cánh như kỳ vọng, mà hơn ai hết, đội ngũ doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế thực sự là rường cột và đội ngũ doanh nhân phải thật sự xứng đáng là những người đi trước mở đường. 

Đây chính là tầm nhìn, bản lĩnh, phương lược và cũng là nghệ thuật của Nhà nước trong công việc tạo “khung trời”, “bầu trời” cho mọi “con diều” tự do bay lượn và nắm lấy các dây diều điều khiển chúng chứ không phải trực tiếp nắm lấy các con diều, dù là bất kể phương diện kinh tế nào hay bất cứ loại hình doanh nghiệp nào.

 Nhìn tổng thể, có thể nói, đó chính là sự phát triển tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, để thực hiện một cuộc bứt phá và cất cánh từ nền móng được đổi mới hiện thời, đi tới tương lai.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản