Hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bài cuối: Phát huy cao nhất vai trò sát hạch của người dân

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 07:38 - Chia sẻ
Để HĐND các cấp khóa mới hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, trước hết cần phát huy cao nhất vai trò sát hạch của người dân với các ứng cử viên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến rất gần để chọn được những đại biểu thực sự có tâm, có tài. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị cần nhìn nhận, tôn trọng và tạo điều kiện để HĐND các cấp có nguồn nhân lực chất lượng, vị thế chính trị phù hợp, có đủ thẩm quyền và phải là vị trí trung tâm của quyền lực chính trị của cấp chính quyền địa phương.

Không ít suy tư, trăn trở

2016 - 2021 là nhiệm kỳ khôi phục thiết chế HĐND ở 10 tỉnh, thành phố thí điểm bỏ HĐND ở quận, huyện, phường, làm cho việc thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” đi vào nền nếp, hiệu quả. Người dân và cử tri có nhiều tiếng nói và quyền giám sát thông qua hoạt động của HĐND là cơ quan có đủ thực quyền quyết định và giám sát, tín nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh do HĐND bầu; làm cho những thành viên của chính quyền địa phương phải có ý thức rèn luyện phẩm giá để thực thi nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân. 

5 năm một nhiệm kỳ khép lại, bên cạnh những mặt tích cực và hiệu quả chứng minh HĐND đã hoạt động trên tin thần nhập thế, đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, vẫn còn không ít suy tư, trăn trở. Đó là khi có những quyết định, nghị quyết của HĐND chậm hoặc không đi vào cuộc sống; những nghị quyết và quyết định đúng đắn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện quyết liệt, hoặc vì nhiều lý do mà không tổ chức thực hiện. Nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, ý kiến của người dân rất đúng đắn, hợp lý mà vẫn chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo.

Nguyên nhân một phần do khả năng nguồn lực của các địa phương còn hạn chế, nhất là các tỉnh nghèo, chưa cân đối được ngân sách; một phần do công tác phân tích dự báo và tham mưu thiếu kịp thời; có phần do đại biểu sau khi trúng cử ít gắn bó mật thiết với dân, ít lắng nghe, trăn trở, nghiên cứu đề xuất hoặc ngại va chạm, thậm chí vì lợi ích nhóm. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đó cũng là trăn trở, món nợ và lòng trắc ẩn của chúng tôi khi còn là đại biểu dân cử.

Vị trí trung tâm của quyền lực chính trị

Chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, để HĐND các cấp hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, trước hết, với tinh thần và thái độ nhận thức sâu sắc vai trò của Nhân dân trong lịch sử dân tộc, tinh thần Đại hội XIII là phải thực hành bài học lấy dân làm gốc, cần làm cho toàn dân phấn chấn, tin tưởng, sáng tạo và làm chủ trực tiếp, thực sự trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này. Làm sao phát huy cao nhất vai trò sát hạch của người dân với các ứng cử viên để giúp cho tổ chức chọn được những người thực sự có tâm, có tài để vào cơ quan “cầm cân nảy mực”.

Thứ hai, trên cơ sở những kết quả kinh nghiệm và bài học rút ra của nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu, tham mưu, hình thành cơ chế giám sát thi hành hiến pháp hoặc tòa án hiến pháp mà những năm qua đã nhiều lần đưa ra thảo luận, bảo đảm hiến pháp là tối thượng, cơ quan thi hành hiến pháp không có thẩm quyền sửa hiến pháp theo ý và lợi cho mình. Đơn cử như Hiến pháp 2013, trước khi Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã in trên 12 triệu bản dự thảo hiến pháp gửi đến trên 12 triệu hộ gia đình lấy ý kiến trực tiếp. Bởi vậy, có giá trị như một cuộc trưng cầu ý dân, để ghi vào hiến pháp một câu “Cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt… (Khoản 2 Điều 111)”.

Các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trực tuyến tại huyện Đakrông 

Ảnh: Tú Linh 

Tuy nhiên đến nay khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, cơ quan chức năng chỉ lấy phần sau Khoản 2 của Điều 111 là “… tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt…” để tạo ra cấp chính quyền địa phương không bao gồm HĐND và UBND, bỏ qua nguyên tắc hiến định. Thiết nghĩ, đây là vấn đề rất hệ trọng mà Quốc hội khóa mới cần quan tâm.

Thứ ba: Nhiều vấn đề Quốc gia đại sự nhưng do HĐND các cấp thực hiện hoặc thông qua để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Như việc sáp nhập xã phường, thôn bản khu phố với mục đích tinh giản biên chế và ngân sách liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chí về diện tích và dân số làm căn cứ. Tuy nhiên, căn cứ đó từ đâu ra, yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng và hiệu quả quản lý dựa trên nền văn hóa Việt Nam chưa được chú ý đúng mức. Cho nên, nhiều nơi sau sáp nhập không quản lý hiệu quả, không phát huy được đoàn kết… Thiết nghĩ, cần lắng nghe và mở rộng dân chủ, tổng kết đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra những chủ trương quan trọng và hệ trọng của đất nước.

Cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu, những người đủ số phiếu sẽ đắc cử và trở thành đại biểu Nhân dân. Trong đó, theo sự phân công của tổ chức và tín nhiệm của đại biểu, nhiều đại biểu sẽ trở thành lãnh đạo của chính quyền địa phương, là lãnh đạo HĐND, UBND, các thành viên Thường trực HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ mới. Đứng trước thời cơ, thách thức và vận hội mới của đất nước, trên cơ sở đường lối chính trị của Đại hội XIII, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới sẽ nỗ lực phấn đấu, gần dân, luôn lắng nghe và đổi mới sáng tạo, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, vì sự nghiệp chung và hạnh phúc của Nhân dân để cống hiến, trưởng thành.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị cần nhìn nhận, tôn trọng và tạo điều kiện để HĐND các cấp có nguồn nhân lực chất lượng, vị thế chính trị phù hợp, có đủ thẩm quyền và phải là vị trí trung tâm của quyền lực chính trị của cấp chính quyền địa phương, có bản lĩnh và chuyên nghiệp, đủ tâm, đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo đúng quy định của pháp luật. Thật sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương!

Nguyễn Đức Dũng- Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị