Pháp luật về bầu cử: Quy định và thực thi

Bài cuối: Phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:15 - Chia sẻ
Bầu cử chính là hình thức giám sát tốt nhất, cao nhất của Nhân dân. Chỉ có thông qua bầu cử, người dân mới thể hiện được địa vị làm chủ của mình. Pháp luật về bầu cử qua các thời kỳ đã kế thừa, chọn lọc những quy định hợp lý, tiến bộ; đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và xu hướng thời đại.

Kế thừa những quy định hợp lý, tiến bộ

Việc triển khai những quy định liên quan đến công tác bầu cử là khá thành công. Ví dụ, quy định về số dư của các ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử luôn luôn được tuân thủ. Tất nhiên, cũng có một số chính sách lập pháp liên quan đến bầu cử có thể thực hiện tốt hơn. Chẳng hạn, các quy định về vận động bầu cử đã được triển khai một cách khá công bằng đối với các ứng cử viên. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đến được với đông đảo cử tri. Hay, người ngoài Đảng được bầu vào Quốc hội vẫn còn chiếm một tỷ lệ khá thấp.

 TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đánh giá sự kế thừa những quy định hợp lý, tiến bộ của pháp luật về bầu cử, PGS.TS Đặng Minh Tuấn - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, một số nguyên tắc hiến định tiến bộ có tính kế thừa, xuyên suốt lịch sử pháp luật về bầu cử, bao gồm: Nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân; mối liên hệ, trách nhiệm của Quốc hội, HĐND, ĐBQH và đại biểu HĐND với cử tri. Một số nguyên tắc gắn liền với chế độ bầu cử được ghi nhận như hiệp thương trong bầu cử với vai trò của MTTQ, sự lãnh đạo của Đảng đối với bầu cử… Các quy định tiến bộ trên đã được áp dụng góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công các kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp từ năm 1946 đến nay.

Cụ thể, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 kế thừa nguyên tắc bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định ở các luật bầu cử trước đây. Theo đó, Luật Bầu cử năm 2015 quy định mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác đi bầu cử thay. Luật cũng đã dành một chương riêng quy định việc lập danh sách cử tri để bảo đảm tất cả công dân từ đủ tuổi 18 trở lên đi bầu cử. Theo đó, Chương IV của Luật quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc đi bỏ phiếu khác…

Bên cạnh việc quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 còn quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập danh sách cử tri. Theo đó, danh sách cử tri do UBND cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với cấp huyện (như huyện Côn Đảo) không chia thành đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn thì UBND huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Những quy định này một mặt nhằm thể hiện trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập, niêm yết danh sách cử tri, mặt khác, tạo điều kiện để người dân biết về quyền bầu cử và nếu phát hiện có sai sót về danh sách cử tri thì có quyền khiếu nại, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mỗi công dân 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, giới tính, giai cấp, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp... đều có quyền bầu cử, bình đẳng trong việc thực hiện quyền bầu cử và lựa chọn người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương. TS. Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá: Sự lựa chọn của Nhân dân trong việc bầu cử ngày càng rộng rãi, dân chủ và thực chất hơn.

Thực tế đã cho thấy, Nhà nước tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử tham gia các hoạt động bầu cử, phạm vi đối tượng, việc hạn chế quyền bầu cử phải trên nguyên tắc pháp quyền. Nguyên tắc bình đẳng bảo đảm tỷ lệ tham gia ứng cử của người dân tộc thiểu số, phụ nữ; bình đẳng vận động bầu cử. Nguyên tắc trực tiếp, bỏ phiếu kín bảo đảm cho hoạt động bầu cử được tiến hành khách quan, dân chủ. Đây là những nguyên tắc quan trọng, có mối liên hệ hữu cơ với nhau, vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm tổ chức cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và khách quan, bảo đảm để công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của mình theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật

Mặc dù chế định bầu cử ở nước ta thể hiện nhiều điểm tiến bộ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật vẫn cần phải được nghiên cứu đổi mới nhằm nâng cao tính dân chủ, thực chất trong bầu cử; bảo đảm và mở rộng quyền ứng cử, vận động ứng cử; bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch, hiểu và vận dụng đúng quy trình hiệp thương trong bầu cử, lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú; bảo đảm nguyên tắc bầu cử bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; bảo đảm sự độc lập, khách quan của các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trong bầu cử… 

GS.TS. Thái Vĩnh Thắng - nguyên Trưởng Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: Trọng dân tức là tin dân; hãy tin rằng Nhân dân rất sáng suốt. Trong chế độ bầu cử dân chủ, kết quả bầu cử thể hiện đúng ý chí của Nhân dân, không tồn tại khái niệm Nhân dân lựa chọn “sai”. Có chăng là có sự “may rủi” trong bầu cử. Vả lại, nếu “không may”, Nhân dân là người phải gánh chịu. Thật không công bằng, nếu có “người khác” quyết định thay cho Nhân dân (kể cả với mục đích vì Nhân dân), bởi  khi sai lầm, trước hết Nhân dân là người phải gánh chịu. Quan trọng hơn, đã là bầu cử (chứ không phải luân chuyển hay bổ nhiệm…) thì Nhân dân phải là người quyết định. Mặt khác, Nhân dân không thể “không may” mãi, họ sẽ rút ra kinh nghiệm cần thiết trong các cuộc bầu cử tới. Hơn nữa, không phải cứ bầu cử xong là Nhân dân “mất quyền”, cơ quan đại diện muốn làm gì thì làm. Trong chế độ bầu cử nước ta, “đi đôi” với bầu cử là quyền của Nhân dân bãi nhiệm đối với đại biểu dân cử khi họ không còn sự tín nhiệm của Nhân dân.

Ông Vũ Văn Suất - Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đề xuất, quyền bầu cử phải được thể hiện đầy đủ trên ba phương diện: Quyền giới thiệu người ứng cử, quyền tham gia hoạt động bầu cử và quyền bỏ phiếu. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam cần theo hướng mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng việc tăng đáng kể người ứng cử cho mỗi đơn vị bầu cử so với hiện nay. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cần phải vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ xây dựng nhà nước. Trước hết là bầu ra cơ quan dân cử Quốc hội và HĐND các cấp một cách thực sự dân chủ thông qua việc giới thiệu người ứng cử; tổ chức hiệp thương dân chủ, tuyên truyền vận động bầu cử, kiên quyết khắc phục lối dân chủ hình thức làm thay Nhân dân.

Với địa bàn miền núi biên giới, trình độ dân trí của bà con chưa cao, trong khi đó thông tin về các ứng viên trước bầu cử gần như không được tiếp cận từ sớm, nếu công tác tuyên truyền bầu cử không được tiến hành kỹ lưỡng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và chất lượng cuộc bầu cử. Vì vậy, ông Vàng A Vư - Chủ tịch MTTQ huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho rằng, trước các kỳ bầu cử, phải phân công cán bộ xuống địa bàn, gặp và tuyên truyền cho đồng bào về quyền và nghĩa vụ của công dân, phân tích các chính sách mà bà con đang được hưởng lợi của Đảng và Nhà nước, hỏi họ tâm tư nguyện vọng gì về chính sách không? Có bức xúc gì không? Nếu không đi bầu cử thì nay mai các chính sách có tác động đến quyền lợi của bà con đấy. Khi công tác này làm tốt, đến ngày bầu cử, bà con sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, hạn chế được tình trạng nhờ người đi bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu thay.

Đình Khoa