Quảng Nam nâng tầm giá trị “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh

Bài cuối: Phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

- Thứ Ba, 11/01/2022, 06:51 - Chia sẻ
Với những lợi thế có sẵn, nhất là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, tỉnh Quảng Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đưa cây sâm Ngọc Linh lên một tầm cao mới, đúng với giá trị to lớn của loài dược liệu được xem là "Quốc bảo" Việt Nam. Địa phương đang xây dựng lộ trình phát triển sâm Ngọc Linh trở thành loại cây không chỉ giúp thoát nghèo bền vững, góp phần bảo vệ rừng nguyên sinh mà còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.

Giữ rừng nguyên sinh để trồng sâm

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, hiện, trên địa bàn huyện Nam Trà My có hàng chục hộ gia đình ở đồng bằng đã chủ động liên kết với các hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang… phát triển sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết 42/2017/NQ-HĐND về quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn. Triển khai Nghị quyết này, UBND tỉnh đã cho 16 tổ chức, doanh nghiệp thuê môi trường rừng phát triển sâm Ngọc Linh. Về phía huyện Nam Trà My, địa phương cũng đã phê duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng cho 31 nhóm hộ với 471 hộ gia đình tại 6 xã với diện tích 435,4ha để nhân rộng mô hình trồng sâm trên địa bàn.

Cùng với mở rộng diện tích, tăng giá trị kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Công ty Cổ phần Sâm Việt Linh là một trong 16 đơn vị được tỉnh Quảng Nam cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Hiện, vườn sâm của công ty có gần 7.000 cây từ 1 đến 5 tuổi, khoảng 600 cây từ 7 năm đến 15 năm tuổi. Mỗi năm, vườn sâm này có khả năng cho khoảng 7.000 hạt giống. Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Việt Linh Nguyễn Đức Ánh chia sẻ: Cùng với giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương, hàng năm tùy vào mùa chăm sóc, thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh, công ty hợp đồng với hàng chục lao động là người Xê Đăng, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

Cũng theo ông Ánh, cây sâm Ngọc Linh chỉ có thể phát triển dưới tán rừng nguyên sinh nên muốn phát triển loại sâm quý này phải giữ bằng được những cánh rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh. Đối với người dân miền núi Quảng Nam, cây sâm là tài sản vô giá được nâng niu, gìn giữ nguồn gene quý. Những củ sâm Ngọc Linh do chính người dân miền núi trồng, chăm sóc dưới tán rừng nguyên sinh giờ đây đã từng bước được chế biến sâu thành những sản phẩm có giá trị bán ra thị trường. “Nếu mọi doanh nghiệp đều hiểu được giá trị của cây sâm Ngọc Linh, có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn thì chắc chắn trong tương lai không xa, sâm Ngọc Linh Việt Nam sẽ vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước”, Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Việt Linh nhấn mạnh.

Sâm tươi và các sản phẩm chế biến từ cây sâm Ngọc Linh ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng

Ảnh: Phi Nguyễn 

Ưu tiên chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm

Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia, được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam. Do vậy, phát triển sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng. Một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam, cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm, bao gồm cả thuốc chữa bệnh, để tạo nên sản phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế - xã hội của đất nước.

Kể từ khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua vào năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển loài dược liệu quý hiếm này. Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho người dân và doanh nghiệp trong vùng trồng. UBND tỉnh cũng đã đặt hàng, khuyến khích thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh. Qua đó, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới.

Để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình Quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045". Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết: Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong giai đoạn 2025 - 2030, ngang tầm với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc. Tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn để phát triển và sẽ chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu của thị trường để nâng cao giá trị cây sâm chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô như hiện nay.

PHI NGUYỄN - TUẤN NGUYÊN