Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân

Bài cuối: Quan tâm những kinh nghiệm thực tế

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:57 - Chia sẻ
Chương trình bồi dưỡng cho đại biểu dân cử cần tập trung nhiều thời gian vào kỹ năng, phương thức và kinh nghiệm hoạt động cụ thể, quan tâm những kinh nghiệm thực tế làm cho bài giảng hấp dẫn và cuốn hút người nghe; tăng cường trao đổi, đối thoại, giải đáp những câu hỏi, thắc mắc… Sau đợt tập huấn liên tục đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND các cấp cần quan tâm đến việc tiếp tục bồi dưỡng cho đại biểu HĐND, nhất là những năm đầu của nhiệm kỳ.

Tập trung kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động cụ thể

Ở nước ta, chưa có trường học nào đào tạo đại biểu dân cử. Điều đó đòi hỏi cần nghiên cứu thiết kế, xây dựng chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND khoa học, thiết thực nhất. Trước hết, nên xác định mục tiêu, yêu cầu: Phải bồi dưỡng kỹ năng, phương thức và kinh nghiệm hoạt động cho đại biểu HĐND. Nên tập huấn, hướng dẫn những điều đại biểu cần đến; không nên truyền đạt, phổ biến những gì mà giảng viên thích nói. Bởi vậy, chương trình bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cần tập trung nhiều thời gian vào kỹ năng, phương thức và kinh nghiệm hoạt động cụ thể. Nên thiết kế lại nội dung chung cho tất cả đại biểu về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2019). Trong đó, đề cập đến việc đại biểu HĐND thể hiện được vai trò đại diện cử tri, nhiệm vụ TXCT, gần gũi, lắng nghe ý kiến người dân; chuyển tải được ý chí, nguyện vọng của cử tri vào mọi hoạt động của HĐND. Đặc biệt, trong thực hiện quyền hạn của đại biểu, luôn có sự giám sát của cử tri và nhân dân.

Sau Kỳ họp thứ Nhất của HĐND, nội dung tập huấn, bồi dưỡng cần đi sâu vào nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan của HĐND. Trước hết, lãnh đạo HĐND cần được bồi dưỡng về kỹ năng chủ tọa các kỳ họp, chú trọng phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn; chủ trì phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND. Đặc biệt quan tâm phiên họp chất vấn, giải trình để nâng cao vị thế của HĐND. Thành viên các Ban của HĐND cũng nên có chương trình riêng với nội dung tập trung vào kỹ năng, phương thức hoạt động giám sát. Việc tổ chức một cuộc giám sát cần chú ý đến nghiên cứu tìm hiểu tình hình, đặt những câu hỏi đến người chịu sự giám sát, kết luận của Trưởng đoàn giám sát. Trong thẩm tra các báo cáo, quan tâm nghiên cứu tài liệu, chọn lọc ý kiến cử tri để đưa vào nội dung thẩm tra, chú ý tính khả thi, tác động khi đưa nghị quyết vào đời sống xã hội.

Tại những đợt tập huấn, nên bố trí cả lớp về nội dung chung, sau đó chia thành nhóm để bồi dưỡng riêng. Trong đó, có nhóm Thường trực HĐND, nhóm cho thành viên các Ban của HĐND, nhóm cho Tổ trưởng Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Nên mời thêm các chuyên gia, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử nhiều năm để đi sâu vào các chuyên đề theo từng đối tượng. Giảng viên trình bày đã có tài liệu gửi trước cho học viên, nên chỉ đi sâu vào vấn đề cốt lõi, quan tâm những kinh nghiệm thực tế làm cho bài giảng hấp dẫn và cuốn hút người nghe. Tăng cường trao đổi, đối thoại, giải đáp những câu hỏi, thắc mắc để buổi học hiệu quả hơn.

Một hội nghịtập huấn bồi dưỡng kỹ năng công tác cho lãnh đạo Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện tỉnh Quảng Nam năm 2019

Ảnh: Hữu Hải 

Nên bồi dưỡng đại biểu HĐND thường xuyên

Sau đợt tập huấn liên tục, rầm rộ cho HĐND các cấp, các cơ quan liên quan, nhất là Thường trực HĐND các cấp cần quan tâm đến công tác tiếp tục bồi dưỡng đại biểu HĐND, nhất là những năm đầu của nhiệm kỳ. Trước hết, Thường trực HĐND chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cả nhiệm kỳ. Hàng năm khi xây dựng ngân sách, phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chung cán bộ, công chức, viên chức, nên bố trí kinh phí để bồi dưỡng đại biểu HĐND. Sau khi bố trí ngân sách, Thường trực HĐND giao trách nhiệm cho Văn phòng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, thiết kế nội dung bồi dưỡng đại biểu cho cấp mình và cấp dưới.

Thường trực HĐND quan tâm cử những cán bộ chuyên trách của HĐND, có khả năng, trình độ, kinh nghiệm tham gia các lớp tập huấn về bồi dưỡng đại biểu HĐND để dự nguồn báo cáo viên. Tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo các cơ quan của Quốc hội để có thêm kỹ năng, kinh nghiệm bồi dưỡng đại biểu dân cử. Thường trực HĐND chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử xây dựng kế hoạch, xác định mục đích, yêu cầu và đối tượng cụ thể cho từng lớp bồi dưỡng hàng năm. Ban Công tác đại biểu quan tâm giúp địa phương thiết kế chương trình, xây dựng nội dung phù hợp với đặc điểm của địa phương; sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ tài liệu, bố trí giáo viên, báo cáo viên có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp truyền đạt tại những đợt tập huấn của địa phương. Ban Công tác đại biểu cũng quan tâm mời Thường trực, các Ban của HĐND tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến hoạt động của HĐND, để nâng cao kỹ năng và phương pháp hoạt động cho lực lượng nòng cốt ở địa phương.

Ở địa phương, Thường trực HĐND giao trách nhiệm cho ngành nội vụ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND hàng năm trong chương trình chung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bố trí ngân sách thích hợp và thông báo đến Trường Chính trị, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị để chủ động phối hợp thực hiện. Lãnh đạo các Ban của HĐND, ngoài thường xuyên hoạt động giám sát, thẩm tra, cần tổ chức những cuộc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên. Các đại biểu HĐND trong quá trình công tác, hoạt động ở cơ quan dân cử nghiên cứu luật pháp, tài liệu liên quan đến hoạt động của HĐND để không ngừng nâng cao kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hoạt động của HĐND.

Trần Đình Huề - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình