Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực - vấn đề cốt tử thành bại

Bài cuối: Quốc pháp - Lòng Dân - Đảng cương - và Tín nhiệm quốc tế

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:21 - Chia sẻ

  TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Nhìn tổng thể, quyền lực nhà nước được phân định thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và giao cho các cơ quan khác nhau của Nhà nước thực hiện. Vì vậy, đối với mỗi quyền lực nhà nước, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận phù hợp nhưng bảo đảm thống nhất.  

Pháp luật - yếu tố cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lập pháp chính là xác lập cơ sở pháp lý để cơ quan chuyên trách của nhánh quyền tư pháp được phân công kiểm tra quyền lập pháp dựa vào đó triển khai hoạt động giám sát tính hợp hiến - hợp pháp của các quyết định do Quốc hội và lãnh đạo cấp cao thuộc nhánh quyền lập pháp ban hành, tiến hành thủ tục tố tụng đối với các vụ việc có liên quan đến quyền lập pháp theo các quy định của Hiến pháp và các đạo luật khác góp phần làm cho quá trình tổ chức, thực hiện quyền lập pháp được tuân thủ theo đúng các quy định và trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật… vì lợi ích chung của Nhân dân và xã hội, cũng như bảo vệ một cách hữu hiệu tính pháp chế cao nhất của Hiến pháp, những cơ sở của chế độ hiến định, các quyền và tự do của con người và của công dân với tư cách là các giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại. 

Cơ chế kiểm soát quyền hành pháp bao hàm hệ thống các phương thức, khả năng và quy tắc để qua đó nhận diện quyền lực hành pháp, chủ động khắc chế lệch lạc, điều chỉnh nó. Và đồng thời theo dõi việc thực thi quyền lực hành pháp theo luật pháp, đo lường hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

Cơ chế kiểm soát quyền tư pháp là hệ thống phương thức và quy tắc được thể hiện trong Hiến pháp và các đạo luật khác, với tư cách là những căn cứ pháp lý để thực thi. Quyền lập pháp thông qua cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội được phân công giám sát hoạt động của quyền tư pháp, dựa vào đó triển khai công tác nhân sự cấp Trung ương trong các cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước (Tòa án Nhân dân) hình thành cơ cấu tổ chức - hoạt động và thẩm định các báo cáo của cơ quan tư pháp cao nhất. Quyền tư pháp thông qua tòa án, dựa vào đó triển khai hoạt động tính hợp hiến, hợp pháp nhằm góp phần làm cho quá trình tổ chức, thực hiện quyền tư pháp được tuân thủ theo đúng các quy định và trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật, nhằm chống lại sự lạm quyền và chủ động bảo vệ công lý.    

Có thể nói, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước gồm nhiều cơ chế phân hệ kiểm soát đối với từng bộ phận quyền lực nhà nước. Với mỗi quyền lực, lại do nhiều cơ quan nhà nước được phân công, cùng phối hợp thực hiện và tiến hành việc kiểm soát quyền lực. Giữa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung với các cơ chế phân hệ luôn tác động, ảnh hưởng đa chiều rất phức tạp, song chúng luôn phải thống nhất với tư cách là một chỉnh thể.

Các chủ thể của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là những tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, nghĩa là theo quy định của pháp luật, có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước. Nội dung kiểm soát quyền lực nhà nước đối với mỗi loại quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) được pháp luật quy định khác nhau và chủ thể kiểm soát chỉ có thể kiểm soát đối với những nội dung đó và trong những phạm vi nhất định, theo luật định. Về nguyên tắc, đối tượng bị kiểm soát là các tổ chức và cá nhân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước, không trừ một ai, một cơ quan nào.

Nói khái lược, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là sự tổng hợp của nhiều “cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận”, nhằm kiểm soát tất cả các nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) dù ở các phạm vi khác nhau. Pháp luật là yếu tố cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước, nguyên tắc pháp chế luôn được đề cao, nó đòi hỏi tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước phải thực hiện vô điều kiện các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong tổ chức cũng như trong hoạt động. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước do được xác lập bởi pháp luật nên luôn mang tính bắt buộc, công khai, minh bạch, đòi hỏi các chủ thể phải tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ tùy theo đối tượng và các nội dung cần kiểm soát theo đúng pháp luật.       

Trong các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, bầu cử dân chủ là phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng nhất. Đây cũng chính là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng nhất. Nó thể hiện quyền dân chủ của Nhân dân và quyền lãnh đạo của Đảng. Nhân dân có quyền, trách nhiệm và điều kiện để lựa chọn những người gắn bó, có trách nhiệm với vận mệnh của Nhân dân, có quyền giám sát và bãi miễn hoặc thu hồi quyền lực khi người đại diện được bầu không còn xứng đáng nữa. Trong lúc đó, với tư cách là đảng cầm quyền, Đảng lựa chọn đảng viên giới thiệu ra ứng cử, để Nhân dân bầu. Như vậy, một đại biểu được bầu phải đáp ứng được sự tín nhiệm của Nhân dân và của Đảng. Đảng và Nhân dân đều thực hiện sự giám sát của mình với các vị đại diện đó.

Không ai và lực lượng nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật

Nói khái lược, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước dù chặt chẽ đến mức Đảng “hóa thân” tới đâu và như thế nào trong Nhà nước, thì không thể không lưu ý các hệ lụy: Đảng hóa Nhà nước hay Nhà nước hóa Đảng. Nghĩa là, không “nhầm lẫn” giữa quyền lực chính trị (lãnh đạo, cầm quyền) của Đảng và quyền lực hành chính của Nhà nước (quản lý, quản trị), không để Đảng làm thay Nhà nước hay Nhà nước “thoái bộ” hoặc nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng, hoặc tình trạng lưỡng phân… bảo đảm hệ thống quyền lực không bị rối loạn, tê liệt. Ở đây, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trở thành một nhiệm vụ kép và có ý nghĩa kép: Đảng vừa thực hiện quyền lực lãnh đạo, vừa kiểm soát quyền lực nhà nước, Nhân dân vừa kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng, vừa kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Buông lỏng và làm trái, vô hình triệt tiêu sức mạnh của tất cả.

Như đã trình bày, kiểm soát tự bên trong chính là phương thức kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước với nhau, nghĩa là tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm các cơ quan quyền lực nhà nước, hoặc thực thi quyền lực nhà nước vừa thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền theo Hiến định. Nghĩa là, các cơ quan nhà nước nắm giữ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được thiết kế theo nguyên tắc kiểm soát và cân bằng lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền. 

Mọi tổ chức và công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật luật không cấm. Do đó, kiểm soát quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật là rất quan trọng, bảo đảm tính chất dân chủ và thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền của chúng ta. Điều đó không cho phép bất cứ tổ chức chính trị, xã hội nào, cố nhiên bất kể ai và lực lượng nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật bảo đảm để Nhà nước thực hiện chức năng công quyền một cách dân chủ, thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.    

Để kiểm soát quyền lực nhà nước, không thể không thực thi sự kiểm soát của các cơ quan tư pháp đối với các cơ quan nhà nước. Tòa án Nhân dân thực thi quyền tư pháp, có quyền xét xử đối với mọi đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ, khi vi phạm pháp luật. Việc hiến định nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm, làm cho khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của tòa án là tất yếu và công minh. Cùng với chức năng công tố, Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm ngăn chặn việc lạm quyền của cơ quan và công chức nhà nước, trong các hoạt động tư pháp.

Quan hệ giữa Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ phối hợp hành động, được thực hiện theo luật pháp và các quy chế. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là người lãnh đạo Mặt trận vừa là thành viên của Mặt trận. Vì vậy quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc vừa là quan hệ lãnh đạo vừa là quan hệ hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Đảng, Nhà nước sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, pháp luật và chính sách, đáp ứng các điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Nói khái lược, Quốc pháp - Lòng Dân - Đảng cương - và Tín nhiệm quốc tế là 4 phương diện hợp thành công cụ và động lực của cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.

Đó là điểm mấu chốt tiên quyết của việc đổi mới cơ chế vận hành của hệ thống chính trị - xã hội và kiểm soát quyền lực ở nước ta, mà chúng ta nắm lấy, cần hướng tới xây dựng và không ngừng hoàn thiện, xét trong tổng thể công việc đổi mới chính trị hiện nay.