Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Bài cuối: Rõ cơ quan quản lý, theo dõi chương trình hành động

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 07:30 - Chia sẻ
Từ thực tế tổ chức cuộc bầu cử trên địa bàn, Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực. Nhất là việc bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn người ứng cử xây dựng chương trình hành động khi TXCT vận động bầu cử; đồng thời, quy định rõ cơ quan quản lý, theo dõi chương trình hành động đối với những người trúng cử để giám sát việc thực hiện trên thực tế.
Cử tri huyện Vạn Ninh gửi tâm tư, nguyện vọng đến các ứng cử viên ĐBQH Khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Khánh Hòa - ẢNH VŨ NGUYÊN
Cử tri huyện Vạn Ninh gửi tâm tư, nguyện vọng đến các ứng cử viên ĐBQH Khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Khánh Hòa 
ẢNH: VŨ NGUYÊN

Cơ sở giám sát việc thực hiện chương trình hành động

Đối với việc niêm yết danh sách chính thức người ứng cử. Khoản 1 Điều 57 Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định chậm nhất 20 ngày trước ngày bầu cử, UBBC tỉnh phải công bố danh sách người ứng cử ĐBQH ở địa phương mình theo Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia; Điều 59 quy định chậm nhất 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Theo UBBC tỉnh Khánh Hòa, quy định thời gian như vậy chưa phù hợp với thực tế, vì sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, UBBC tỉnh còn phải biên tập, tổ chức in ấn danh sách để cấp phát về cho các Tổ bầu cử thực hiện việc niêm yết, số lượng in ấn khá lớn nên cần phải có đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ.

Về tiêu chuẩn người ứng cử. Tiêu chuẩn của ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được quy định chung tại Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Các cơ quan trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện trên thực tế còn gặp nhiều trường hợp phát sinh vướng mắc. Cụ thể: Việc tiếp nhận hồ sơ người ứng cử là cán bộ, công chức đang trong thời gian xem xét, điều tra hành vi vi phạm pháp luật, hoặc đang bị áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên chưa được quy định chi tiết là có được tham gia ứng cử hay không. Để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện thống nhất ở những nhiệm kỳ tiếp theo, cơ quan Trung ương có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung nêu trên; đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện kịp thời hướng dẫn những vướng mắc do địa phương đề nghị nhằm bảo đảm tiến độ công tác bầu cử - UBBC tỉnh kiến nghị.

UBBC tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Cần bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn người ứng cử xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc vận động bầu cử; đồng thời, quy định rõ cơ quan quản lý, theo dõi chương trình hành động đối với những người trúng cử để giám sát việc thực hiện trên thực tế.

Thống nhất việc lập danh sách cử tri

Đối với việc lập danh sách cử tri, theo quy định đối với cử tri thay đổi nơi bỏ phiếu từ xã này sang xã khác trong cùng một huyện chỉ được bầu 2 cấp là ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong thực tế, quy định này chưa hợp lý, chưa thật sự thể hiện hết quyền công dân của cử tri, UBBC tỉnh Khánh Hòa đề nghị sửa đổi theo hướng cho cử tri từ xã này sang xã khác trong cùng một huyện vẫn được bầu 3 cấp là ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện. Đây cũng là nội dung UBBC nhiều địa phương có ý kiến, kiến nghị.

Về thời gian kết thúc việc bổ sung danh sách cử tri. Theo quy định, đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, các khu vực bỏ phiếu chốt danh sách cử tri; điều này trong thực tế rất khó thực hiện và trong quá trình lập danh sách cử tri, hầu hết các địa phương đều xảy ra tình trạng thống kê sót cử tri, đến ngày bầu cử người dân mới đến liên hệ giải quyết. Mặt khác, nếu thực hiện đúng như quy định thì đối với những khu vực bỏ phiếu có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100% nên cho phép được kết thúc bầu cử sớm và tiến hành các thủ tục tiếp theo, điều này cần sửa đổi Điều 71 Luật Bầu cử về thời gian được phép kết thúc bầu cử sớm đối với khu vực bỏ phiếu có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.

Cũng theo UBBC tỉnh Khánh Hòa, lập danh sách cử tri là công việc khá phức tạp và quan trọng, đòi hỏi phải có nhiều thời gian và thống nhất trong cách lập danh sách để xác định quyền bầu cử của cử tri cho chính xác, nhất là với học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp. Cơ quan công an địa phương phải thường xuyên cập nhật, rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan đối chiếu hồ sơ về đăng ký tạm trú, thường trú để cung cấp cho việc lập danh sách cử tri bảo đảm tính chính xác. Để làm được điều này, cần thống nhất trong khâu tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện, bảo đảm tính khoa học, chính xác và đạt hiệu quả cao.

Theo quy định của Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia là cơ quan tổ chức bầu cử ĐBQH và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong toàn quốc. Quá trình chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử, nhiều cơ quan ở Trung ương yêu cầu địa phương báo cáo theo những nội dung và mốc thời gian khác nhau so với quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia, gây không ít khó khăn cho địa phương trong thực hiện. UBBC tỉnh Khánh Hòa kiến nghị, các văn bản hướng dẫn, báo cáo về công tác bầu cử thống nhất giao cho Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định; những cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương nếu có hướng dẫn riêng cần trao đổi, thống nhất với Hội đồng Bầu cử quốc gia để Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn chung cho các địa phương.

MỸ HẠNH