Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan dân cử

Bài cuối: Sẵn sàng tâm thế thay đổi để phù hợp

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:34 - Chia sẻ
Bên cạnh những giải pháp về công nghệ, đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị, trang bị cơ sở dữ liệu, điều quan trọng nhất phải thay đổi đó chính là bản thân đại biểu dân cử. Nếu đại biểu chưa sẵn sàng tâm thế thay đổi tư duy và hành động để phù hợp, thích ứng hơn với thời đại 4.0, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của mình thì việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan dân cử sẽ chưa thể thành công. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Nhất thiết phải đồng bộ

Đối với Trung ương, cấp tỉnh, việc mua sắm các trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) cần thiết cũng như cài đặt hệ thống dữ liệu chuyên ngành riêng cho đại biểu dân cử; nâng cấp hoạt động các cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan dân cử khá dễ dàng và hiện nay đã được cơ bản đồng bộ hóa. Tuy nhiên, đối với cấp huyện và xã, nhất thiết phải quan tâm đến hạ tầng CNTT và hệ thống dữ liệu số chuyên ngành cho đại biểu dân cử. Nếu nguồn lực chưa bảo đảm có thể thực hiện từng bước, trước hết là ở cấp huyện, nên sắm máy tính xách tay, đầu tư hệ thống điều hành, trao đổi công việc và xử lý văn bản riêng cho đại biểu HĐND, cấp tài khoản cho đại biểu dân cử để khai thác.

Quang cảnh phòng họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VII - ẢNH TRUNG TUYẾN
Quang cảnh phòng họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VII
Ảnh: TRUNG TUYẾN

Việc này có thể tính toán để thực hiện bởi chi phí không nhiều. Nếu tính chi phí dành cho in ấn tài liệu một kỳ họp bình quân khoảng 12 triệu đồng tùy nội dung thì tích luỹ trong cả nhiệm kỳ cũng đủ trang bị cho trên 1/2 đại biểu một máy tính xách tay. Đối với việc cấp tài khoản trong hệ thống điều hành, gửi nhận văn bản để đại biểu có thể khai thác tài liệu các kỳ họp, thông tin liên quan có thể tích hợp chung trong hệ thống của chính quyền (nhiều nơi Thường trực và các Ban HĐND đã có, một số đại biểu thuộc khối cơ quan đã được cấp, việc mở rộng thêm là điều dễ làm). Từ chỗ mua sắm được máy tính xách tay và có hệ thống dữ liệu điều hành chung, việc tổ chức kỳ họp không giấy đối với HĐND cấp huyện là điều dễ dàng.

Đối với việc tổ chức kỳ họp trực tuyến, một số địa phương khó khăn về nguồn lực chưa thể đầu tư đồng bộ được, Thường trực HĐND có thể tận dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom là một giải pháp hữu ích, tiện dụng và rẻ tiền mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan áp dụng khá hiệu quả. Zoom được đánh giá là công cụ hỗ trợ đắc lực để hội họp, trao đổi nhiều thông tin của giới văn phòng khi đang phải làm việc ở nhà trong mùa Covid-19, cơ quan dân cử có thể ứng dụng trong các phiên họp, mở rộng ra có thể tổ chức kỳ họp trực tuyến với tính chất và quy mô phù hợp.

Đối với cấp xã, có thể nhiều địa phương chưa có điều kiện mua sắm máy tính riêng cho đại biểu. Tuy nhiên, hiện nay hầu như đa số đại biểu dân cử đều có điện thoại thông minh. Do đó, HĐND cấp xã cần kiến nghị, đề xuất Phòng Văn hóa thông tin hỗ trợ để mỗi đại biểu có một tài khoản riêng gửi nhận văn bản và cài đặt vào trong điện thoại, ngoài ra đại biểu cũng có thể tiếp nhận thông tin quan zalo theo nhóm của đại biểu dân cử do Thường trực HĐND thiết lập để trao đổi công việc. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc tận dụng phần mềm Zoom để HĐND cấp xã có thể họp cũng là giải pháp ưu thế trong điều kiện nguồn lực ngân sách khó khăn.

Về vấn đề tương tác qua môi trường mạng với cử tri, ngoài trao đổi qua hộp thư cá nhân, mạng xã hội, đường dây “nóng”, tổng đài riêng, HĐND cấp tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng các chuyên mục: Cử tri hỏi - cơ quan nhà nước trả lời; ý kiến cử tri; thêm các chuyên mục chuyên đề hoặc phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình địa phương mở thêm các chuyên mục đại biểu với cử tri. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để cử tri biết, tiếp cận. Đối với cấp huyện, xã, Thường trực HĐND làm việc với Ban biên tập cổng/trang để mở riêng chuyên mục của HĐND, đăng tải dữ liệu liên quan cũng như có thể mở thêm kênh tham vấn ý kiến cử tri về các nội dung cần thiết.

Thay đổi tư duy, hành động trong nền kinh tế số

Trang thiết bị đã có, có nơi có thể chưa đồng bộ nhưng cũng có thể thấy được hình bóng của công nghệ số trong đó. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi, nhiều đại biểu dân cử vẫn thích cách trao đổi, tiếp nhận thông tin và họp truyền thống hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh nên thay đổi tư duy cho phù hợp. Khi được đầu tư đủ trang thiết bị, cơ quan dân cử cần thống nhất không in ra, phô tô, đóng tài liệu và đi gửi như hiện nay, thay vào đó là chuyển qua gửi nhận văn bản cho đại biểu dân cử qua máy tính, vừa không mất công sức phô tô, đóng quyển và đi gửi lại tiện dụng.

Một vấn đề nữa cần thay đổi ở đại biểu dân cử là nhận thức đúng và có trách nhiệm trong thời đại công nghệ 4.0, đó chính là chịu khó học tập, nghiên cứu để làm quen đến làm chủ công nghệ. Đã có không ít đại biểu loay hoay khi tương tác trên máy tính. Mới đầu có thể không quen, hơi khó, nhất là đối với đại biểu có tuổi nhưng khi đã quen và làm chủ, đại biểu sẽ thấy thay vì ôm một chồng tài liệu, sổ tay, bút giấy, việc cầm một chiếc máy tính xách tay sẽ gọn nhẹ và năng động hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi tương tác trên môi trường số hóa, đại biểu cần chịu khó nghiên cứu, biết xử lý và lưu trữ thông tin; quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin. Trong hệ thống thông tin, tài liệu của cơ quan dân cử cũng có những nội dung lưu hành nội bộ, mật, do đó cần nghiên cứu kỹ quy định về quản lý, khai thác, sử dụng các dạng thông tin, văn bản này, tránh vi phạm pháp luật mà không biết hoặc để bị lợi dụng.

Điều cuối cùng, như trên đã phân tích, hầu như đại biểu nào cũng có điện thoại thông minh, hãy biến chiếc điện thoại của mình trở nên hữu ích hơn khi sử dụng nó như một máy ảnh để khi cần có thể có hình ảnh phục vụ cho hoạt động đại biểu; biến thành công cụ phục vụ kết nối phòng họp qua Zoom nếu lỡ dịch bệnh phức tạp và cũng biến nó thành chiếc cặp đựng các dữ liệu để khi cần có thể khai thác ngay qua hệ thống lưu trữ, tài khoản riêng trong hệ thống văn bản của cơ quan dân cử… Khi tư duy và hành động của đại biểu dân cử thay đổi phù hợp, chúng ta có quyền tin vào một cơ quan dân cử mạnh, năng động, hiện đại trong tương lai không xa.

HỒNG HẠNH - PHƯƠNG NHUNG