Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững - từ góc độ cơ quan dân cử địa phương

Bài cuối: Tăng cường hợp tác vùng, liên vùng để giải quyết thách thức

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:38 - Chia sẻ
Trước những thách thức lớn hiện nay đối với công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững, việc tăng cường vai trò đồng hành, giám sát và thúc đẩy UBND hành động mạnh mẽ của đại biểu, cơ quan dân cử từng địa phương đặc biệt quan trọng nhưng chưa đủ. Bởi thách thức đặt ra không chỉ riêng một địa phương mà trong phạm vi vùng, liên vùng. Vì vậy, rất cần tăng cường hợp tác vùng, liên vùng để giải quyết thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Trong đó, việc đổi mới cách thức tổ chức, mở rộng chủ đề các Hội nghị thường trực HĐND khu vực có thể là một gợi ý.
Các hội nghị Thường trực HĐND khu vực có thể trở thành diễn đàn bàn thảo các giải pháp liên kết vùng, khu vực để giải quyết những thách thức đối với yêu cầu phát triển bền vững
Ảnh: Võ Huy

Không chỉ là vấn đề riêng rẽ của từng địa phương, khu vực

Có thể thấy, việc tăng cường vai trò đồng hành, giám sát và thúc đẩy UBND hành động mạnh mẽ của đại biểu, cơ quan dân cử từng địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhưng chưa đủ. Bởi, bảo vệ môi trường hay giảm thiểu tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu… không chỉ là vấn đề riêng rẽ của từng địa phương mà rất cần tăng cường liên kết vùng, liên vùng để có các giải pháp căn cơ hơn.

Điển hình, vấn đề xâm nhập mặn là nội dung “nóng” trong các phiên chất vấn, trả lời chất vấn cũng như giám sát của HĐND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây nhất, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bến Tre Khóa IX diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cũng như các biện pháp tháo gỡ thiệt hại do xâm nhập mặn, ổn định đời sống dân sinh. Mặc dù UBND tỉnh và các ngành đã có giải trình, cam kết cụ thể, HĐND tỉnh cũng đã ra nghị quyết về các nội dung chất vấn và tích cực đôn đốc việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu quá lớn nên việc khắc phục các tác động của tình trạng xâm nhập mặn ở Bến Tre nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung dần dần không chỉ là vấn đề của từng địa phương, khu vực mà là vấn đề chung, mang tính quốc gia. Vì vậy, rất cần những giải pháp, quyết sách giải quyết phần “gốc” của vấn đề, nhất là những giải pháp mang tầm khu vực, liên khu vực.

Một vấn đề nữa cũng rất cần sự phối hợp giữa nhiều tỉnh thành, đó chính là giảm thiểu rác thải và bảo đảm môi trường biển. Bài học từ sự cố môi trường biển ở Fomosa cách đây 5 năm rút ra là có lúc, có nơi, việc buông lỏng kiểm soát ô nhiễm biển đã tác động xấu tới việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Để bảo vệ tài nguyên môi trường biển, không chỉ riêng mỗi tỉnh, thành có thể tự xoay xở được mà cần có sự phối hợp liên khu vực dưới sự chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, nâng cao chất lượng quan trắc và cảnh báo môi trường được xem như là một trong những giải pháp quan trọng cần sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các địa phương.

Đổi mới tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực

Trước yêu cầu trên, việc tổ chức các hội nghị Thường trực HĐND khu vực, liên khu vực - diễn đàn quan trọng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật, cơ chế thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, với chủ đề là các vấn đề chung về liên kết vùng, trong đó có vấn đề giải quyết bài toán môi trường và thách thức biến đổi khí hậu là một giải pháp cần xem xét.

Ngày 5.11.2016, tại Bến Tre, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và HĐND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi hoạt động HĐND các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long về thúc đẩy liên kết vùng. Đây là lần đầu tiên, chủ đề hội nghị Thường trực HĐND khu vực đã mở rộng đến những vấn đề cấp bách, thách thức đặt ra với cả khu vực. Sáng kiến trong lựa chọn chủ đề hội nghị Thường trực HĐND khu vực này, cùng với những điểm mới trong tổ chức các Hội nghị thường trực HĐND khu vực như giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp chặt với Thường trực HĐND các tỉnh, thành ở các khu vực tổ chức hội nghị, đến việc mở rộng thành phần tham dự từ khách mời đến một số địa phương ngoài khu vực; nhất là đổi mới trong phương thức kết hợp giữa các khu vực trong tổ chức, các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực đã mở rộng đến sự trao đổi kinh nghiệm giữa các khu vực, giữa các ĐBQH và đại biểu HĐND, là cầu nối giữa trung ương với địa phương.

Đây hoàn toàn có thể trở thành diễn đàn bàn thảo, đề xuất các giải pháp liên kết vùng, khu vực để cộng đồng trách nhiệm giải quyết những thách thức đặt ra đối với yêu cầu phát triển bền vững. Nhất là việc bảo vệ tài nguyên - môi trường, ứng phó kịp thời với thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay thiên tai, lũ lụt… Đặc biệt, với sự tham gia của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện một số bộ, ban ngành Trung ương, nhất là lãnh đạo Quốc hội, các kiến nghị, đề xuất liên quan đến giải quyết những thách thức liên vùng đặt ra sẽ được lắng nghe, giải đáp và ghi nhận để xem xét, giải quyết kịp thời.

Để hội nghị Thường trực HĐND khu vực, liên khu vực về vấn đề bảo vệ môi trường trở nên hấp dẫn, ngoài phương thức truyền thống là trao đổi, tham luận, có thể mở rộng thêm việc khảo sát các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, tham quan các mô hình, cách làm hay về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chủ trì, Ban Tổ chức hội nghị cần đưa ra các chủ đề gắn với hoạt động HĐND, như: Kinh nghiệm trong quyết định các chính sách, cơ chế, biện pháp về bảo vệ môi trường; giám sát các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường; kinh nghiệm tham vấn ý kiến cử tri trong quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư…

Để mở rộng đối tượng tham gia, cùng với theo vùng, khu vực địa lý, có thể nghiên cứu xem xét dựa trên tiêu chí các địa phương có chung vấn đề cần tháo gỡ, mở rộng thêm cho một số huyện thị, thành phố thuộc tỉnh mà bảo vệ môi trường đang là vấn đề “nóng”. Hội nghị trực truyến cũng là giải pháp hay, vừa phù hợp với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, vừa góp phần đưa công nghệ số thẩm thấu sâu sắc vào hoạt động của cơ quan dân cử như nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH