Cơ chế nào cho Khu thương mại tự do Hải Phòng?

Bài cuối: Tạo nền tảng vững chắc trước khi tính đến thử nghiệm mới

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 06:09 - Chia sẻ
PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI, ĐBQH Hải Phòng cho rằng, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng (gọi tắt là Nghị quyết) được thông qua chắc chắn sẽ tạo ra xung lực lớn cho sự phát triển của thành phố. Đây là nền tảng quan trọng để tính đến những chuyện xa hơn, như thành lập Khu thương mại tự do…

Trước mắt, 4 nhóm cơ chế đặc thù là hợp lý hơn cả

- Ông đánh giá thế nào về một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm phát triển TP. Hải Phòng đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này?

­- Cần khẳng định rằng, việc áp dụng một số cơ chế thí điểm cho TP. Hải Phòng là rất cần thiết, bởi trước đó Bộ Chính trị đã có một số nghị quyết riêng, gần đây nhất là Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh và xanh vào năm 2030. Nghị quyết lần này của Quốc hội sẽ là bước cụ thể hóa, thể chế hóa tinh thần của các nghị quyết nói trên. Kết quả thí điểm sẽ cung cấp những bài học thực tế quan trọng trước khi nhân rộng đại trà trên cả nước, hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Hải Phòng có vị thế, tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn với các lợi thế về cảng biển, đô thị, biển đảo, công nghiệp, thương mại và dịch vụ - là nền tảng quan trọng để phát triển thành phố theo hình mẫu Nghị quyết 45 đặt ra. Tuy vậy, rào cản về độ mở chính sách khiến Hải Phòng chưa thể “bung” sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Nếu tháo gỡ được các rào cản sẽ giúp thành phố không chỉ trở thành cực tăng trưởng thông thường mà là cực động lực cho cả miền Bắc, tác động tới liên kết xuyên biên giới với Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Lào, cũng như là một cực đối trọng trong không gian kinh tế biển vịnh Bắc Bộ.

Từ thực tiễn phát triển của thành phố, Hải Phòng đã đề xuất 4 nhóm cơ chế đặc thù. Một là, phân cấp về “quản lý đất đai” để thành phố được quyết định việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Hai là, phân cấp trong quản lý quy hoạch để thành phố được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, kịp thời khai thác hợp lý không gian lãnh thổ, đáp ứng nhu cầu phát triển một đô thị hiện đại, an sinh, an toàn và an ninh. Ba là, thí điểm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước trên nguyên tắc không vượt quá quy định về nghĩa vụ đóng góp của thành phố cho ngân sách Trung ương. Bốn là, thí điểm thực hiện cơ chế tạo nguồn thu nhập để cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Chắc chắn, khi được thông qua và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế đặc thù trên sẽ tạo xung lực mới cho sự phát triển của thành phố cảng, tạo niềm tin, tạo động lực để phát huy tiềm năng của cán bộ, Nhân dân thành phố phục vụ cho chính sự phát triển.

- Trước đó, Chính phủ đề xuất lập Khu thương mại tự do như một đột phá phát triển của Hải Phòng. Tuy vậy, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rút đề xuất này khỏi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng trước khi hoàn thiện Đề án xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội. Ông nghĩ sao?

­- Đây là quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhằm tập trung cho những chính sách nền tảng trước mắt. Thêm nữa, cơ chế chính sách thí điểm có hiệu lực chỉ khoảng 5 năm, không đủ dài để chuẩn bị chu đáo cho một Khu thương mại tự do. Do đó, tôi cho rằng việc lựa chọn 4 nhóm cơ chế, chính sách thí điểm cho Hải Phòng như dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội là hợp lý hơn cả, có tính khả thi, tránh “dàn hàng ngang”. Khi làm tốt các cơ chế đặc thù này sẽ cung cấp tiền đề để tiếp tục tính đến những cơ chế, chính sách dài hạn hơn và toàn diện hơn, góp phần xây dựng thành phố có thể chế - chính sách kinh tế mở, cảng mở ở đẳng cấp quốc tế (như thành lập Khu thương mại tự do...).

Cần tập trung phát triển khoa học - công nghệ

- Theo ông, cần làm gì để nghị quyết thực sự tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của Hải Phòng?

- Trước hết, trên cơ sở phân cấp chỉ qua “một cấp” từ Trung ương xuống thành phố, Hải Phòng cần tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, cần học hỏi các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện cơ chế đặc thù của một số địa phương trước đó, kể cả bài học thành công và chưa thành công. Nghị quyết khi ban hành phải được triển khai nghiêm túc, có cơ chế giám sát thực hiện.

Về phía Hải Phòng, cần có các giải pháp hỗ trợ, trong đó tiếp tục ưu tiên đào tạo lại nguồn nhân lực, bởi với cơ chế chính sách thí điểm mới đòi hỏi phẩm chất, năng lực, kỹ năng của cán bộ quản lý cũng phải khác hiện nay. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng cần chú ý đến đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thông qua đầu tư hiệu quả cho khoa học - công nghệ. Phải xác định đây là khâu đột phá, coi đó là thước đo tiêu chí phát triển của thành phố. Vốn là “thành phố biển” có các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học về biển, hải sản và hàng hải nên thành phố cần xem phát triển khoa học và công nghệ biển là một trong những ưu tiên trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù nói trên. Hải Phòng có thể xem xét thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế để thu hút công nghệ và các nhà khoa học có trình độ và kinh nghiệm hỗ trợ thành phố. Đây là cách tiếp cận mà các nước đi sau, lạc hậu về công nghệ đã làm và nhiều nước đã thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện