Kỹ năng nghề - "chìa khóa" nâng cao năng suất lao động

Bài cuối: Thích ứng với thị trường lao động hậu Covid-19

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 06:26 - Chia sẻ
Đào tạo lại nguồn lao động phải coi là mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, một trong những giải pháp mấu chốt để nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh công tác dạy nghề là cần tăng cường hợp tác 3 bên giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Đây đồng thời là giải pháp giúp người lao động có thể sẵn sàng thích ứng với thị trường lao động nhiều biến đổi hậu Covid-19.

Khảo sát nhu cầu thị trường

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề; rà soát, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động. 

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), giữa lúc “sóng” thất nghiệp vẫn còn gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc đào tạo lại nguồn lao động là giải pháp cần thiết. Song, cần có một chiến lược về đào tạo lại, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp. “Để không bị lãng phí nguồn ngân sách, cần có đánh giá tác động từ các chương trình đã thực hiện, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, đào tạo cho có như trước đây” - bà Hương nhấn mạnh.

Đào tạo lại nguồn lao động đã được quy định tại Luật Việc làm và nhiều văn bản hướng dẫn. Gần đây gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, trong đó dự chi khoảng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đào tạo nâng cao trình độ lao động. Tuy nhiên, tới nay chính sách này vẫn rất khó để thực thi như kỳ vọng đề ra.

Theo các chuyên gia về lao động, mặc dù nước ta có khoảng 56 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 1/5 (hơn 22%) được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên, còn lại phần lớn là chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều người không chọn học nghề vì nghề đào tạo đa phần không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Vì vậy, để học nghề trở thành “cần câu” thì cần phải có một chiến lược đào tạo đồng bộ và đa dạng. Trong đó, những nghề lựa chọn đào tạo nghề phải dựa trên khảo sát thực tế từ thị trường, của các doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động. Bên cạnh đó, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Nhà nước cần quan tâm thích đáng đến việc đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực có chất lượng cao nói riêng.

Giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc)
Nguồn: ITN

Chất lượng đào tạo - vấn đề sống còn

Bên cạnh đa dạng nghề học để thu hút người lao động học nghề, các chuyên gia lao động cũng cho rằng, để có được nguồn nhân lực chất lượng cần sự chủ động hơn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc liên kết với các doanh nghiệp khi đào tạo. Bởi, thực tế hiện nước ta có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên về quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng. Đặc biệt, chưa tạo được mối liên kết 3 nhà “cơ sở đào tạo nghề - doanh nghiệp - người học”. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Bức tranh thị trường lao động trước dịch Covid-19 hiện nay cũng chỉ ra một thực tế, thị trường lao động tại Việt Nam rất dễ bị “khủng hoảng” và “tổn thương” khi có biến động. Sự khủng hoảng một phần do doanh nghiệp phải giải thể, cắt giảm nhân lực… Bên cạnh đó, do nguồn nhân lực còn thụ động, thiếu kỹ năng nghề nên dễ bị đào thải khỏi thị trường. Trong khi, xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, quá trình dịch chuyển lao động từ các nước trong khu vực đang diễn ra khá phổ biến. Bởi vậy, chuẩn hóa lực lượng lao động có kỹ năng nghề để hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng: Để chuẩn hóa lực lượng lao động thì các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Mặt khác, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chuẩn hóa với yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong nước và hướng tới thị trường quốc tế. Bộ đang xây dựng chiến lược “Phát triển giáo dục nghề nghiệp” theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông hiện đại gắn với nhu cầu thị trường lao động và việc làm bền vững. Cùng với đó, sẽ phát triển nhiều hình thức và trình độ đào tạo, chú trọng đào tạo chất lượng cao, đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo trong doanh nghiệp.

Thái Yến