Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường

Bài cuối: Tiếp thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:56 - Chia sẻ
Với tinh thần xây dựng Nghị định phải bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp rơi vào trạng thái tê liệt hoàn toàn, dự thảo Nghị định cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số quy định liên quan theo hướng hỗ trợ, gia hạn, thậm chí miễn giảm, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Miễn thực hiện quan trắc định kỳ

Được biết, đến thời điểm này dự thảo Nghị định đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trong đó đã bổ sung nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhằm giúp giảm bớt áp lực trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cụ thể, dự thảo Nghị định đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31.12.2024. Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này. Từ ngày 1.1.2025, dự án, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ.

Đặc biệt, theo lộ trình Chính phủ quy định và với đặc trưng riêng của các thiết bị xả, bụi khí thải, trước mắt yêu cầu các dự án, cơ sở có phát sinh bụi, khí thải với lưu lượng rất lớn (trên 100.000m3/giờ) thực hiện quan trắc tự động, liên tục; các trường hợp xả bụi, khí thải lớn (từ 50.000m3/giờ đến dưới 100.000m3/giờ) nếu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, tự động liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ. Ngoài ra, đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm công bằng cho các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định hiện hành (được miễn thực hiện quan trắc định kỳ nếu tiếp tục duy trì hệ thống này). 

Đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế không phải là thuế, phí

Bàn về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Vũ Tuấn Hùng - thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho rằng, ý hiểu “Dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc áp dụng ngay ở mức 80 - 90%” là phản ánh chưa đúng nội dung quy định này, có sự hiểu nhầm với tỷ lệ thu hồi tối thiểu của nguyên liệu, vật liệu trong bao bì, sản phẩm. Dự thảo Nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. “Việc xác định tỷ lệ tái chế cụ thể sẽ do Hội đồng EPR quốc gia (gồm các bộ, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và đại diện một số tổ chức, chuyên gia có liên quan) thảo luận, quyết định trên cơ sở công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu, mục tiêu tái chế quốc gia và tình hình kinh tế - xã hội của từng giai đoạn” ông Hùng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân thăm mô hình Nhà máy xử lý rác phát điện tại Cần Thơ
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân thăm mô hình Nhà máy xử lý rác phát điện tại Cần Thơ

Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế: Đây là nội dung được quy định tại Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế đây, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, Dự thảo Nghị định quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích.

Các cơ sở chế biến thủy sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Trước ý kiến băn khoăn về quy định các cơ sở chế biến thủy sản thuộc Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Đây không phải là quy định mới của Dự thảo Nghị định mà đã được kế thừa quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và đã được triển khai thực hiện ổn định cho đến nay.

Quy định này xuất phát từ lý do đặc thù của loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân, ngư dân sinh sống, nước thải có nguy cơ gây phú dưỡng, ảnh hưởng đến môi trường và các hệ sinh thái ven sông, ven biển. Thông số ô nhiễm amonia có tính độc cao đối với các loài sinh vật nên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước cấp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có kiểm soát chặt chẽ các thông số chất ô nhiễm liên quan đến Nitơ do ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng.

Ngoài ra, các cơ sở chế biến thủy sản thường phát sinh mùi hôi, khó xử lý và kiểm soát gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Do đó, việc quy định loại hình này thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn là cần thiết, phù hợp với các quy định của quốc tế; qua đó sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tham gia vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, loại hình này cũng chỉ được xếp vào mục III là nhóm có nguy cơ thấp nhất so với các loại hình thuộc mục I và mục II. “Với tinh thần cầu thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục tiếp nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành, đúng thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực vào ngày 1.1.2022.”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Chí Tuấn