Hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong mùa dịch

Bài cuối: Tiếp xúc cử tri 4.0

- Thứ Ba, 24/08/2021, 06:31 - Chia sẻ
HĐND các địa phương nơi có ca F0 trong cộng đồng hoặc dự báo dịch diễn biến phức tạp đồng loạt tạm dừng hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) trực tiếp theo kế hoạch trước và sau các kỳ họp thường lệ, các cuộc TXCT chuyên đề; đồng thời, nhiều nơi đã có những cách làm hay, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, như TXCT thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến; thông qua mạng xã hội và thậm chí là tận dụng lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở; thông qua tổng đài và điện thoại…

Đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri

TXCT trực tuyến là hình thức được khá nhiều địa phương áp dụng trong mùa dịch, nhất là trong đợt TXCT giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phú Thọ là một trong những địa phương đi đầu phát huy hiệu quả hình thức này. Tác dụng có thể thấy rõ nhất là đại biểu không phải đi nhiều điểm, tiếp xúc nhiều người mà chỉ cần một lần tại một điểm cầu trung tâm kết nối với các điểm cầu thành phần, rất nhiều cử tri cùng một lúc có thể tiếp xúc với đại biểu hoặc ứng cử viên đại biểu, lắng nghe các nội dung đại biểu, ứng cử viên đại biểu trình bày cũng như bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Hình thức TXCT này cũng giúp cho cử tri yên tâm vì không phải tụ họp cùng lúc đông người.

Tuy nhiên, hình thức này cũng có những hạn chế, vướng mắc chỉ phù hợp ở những nơi tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, chưa phải áp dụng Chỉ thị số 15, 16 của Chính phủ, còn những địa phương dịch bệnh phức tạp thì rất khó áp dụng bởi dù đại biểu giữ khoảng cách nhưng cử tri ít nhiều cũng phải tập trung tại điểm cầu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương kinh tế khó khăn, việc trang sắm các thiết bị CNTT cho phòng họp trực tuyến về tận tuyến xã là điều chưa thể thực hiện. Do đó, hình thức này chỉ phù hợp ở những nơi hạ tầng CNTT đồng bộ và tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Nhân rộng ra cũng rất khó.

Một hình thức TXCT vừa được Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đổi mới, vừa không tiếp xúc trực tiếp những vẫn bảo đảm thông tin đến với cử tri và tiếp nhận được khá nhiều kiến nghị, phản ánh của cử tri. Đó chính là phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ đại biểu, tận dụng hệ thống truyền thanh cơ sở và đội ngũ Ban công tác Mặt trận cơ sở cũng như gửi nhận văn bản thông tin qua mạng xã hội, hệ thống gửi nhận văn bản nội bộ.

Theo đó, Thường trực HĐND thị xã giao các Tổ đại biểu HĐND trên cơ sở kết quả kỳ họp, nội dung các nghị quyết, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tự biên soạn thành bài tuyên truyền về kết quả kỳ họp, chuyển file cho Ban biên tập Đài Truyền thanh nơi các đại biểu trong Tổ ứng cử để phát trên hệ thống loa truyền thanh nhiều lượt vào những cung giờ cố định để cử tri nắm bắt được thông tin; đồng thời, cung cấp số điện thoại của Tổ trưởng, Tổ phó và đề nghị cử tri gửi kiến nghị về cho Tổ hoặc thông qua Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, Tổ dân phố để tập hợp chuyển cho Tổ trưởng (thường là lãnh đạo địa phương). Sau đó, Tổ trưởng tổng hợp, thông qua thành viên Tổ qua nhóm Zalo, gửi dự thảo tranh thủ thêm ý kiến của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ phường, xã và cuối cùng là gửi qua hệ thống gửi nhận văn bản về cho Thường trực HĐND thị xã theo thời gian ấn định trong công văn. Nhờ đó, HĐND thị xã Hồng Lĩnh vẫn tiếp nhận được khá nhiều ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực.

Cử tri phát biểu tại một đầu cầu trong buổi TXCT trực tuyến
Ảnh: Thanh Tân

Tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri

Là một hoạt động chủ yếu của cơ quan dân cử được luật định nên dù thế nào việc TXCT vẫn phải thực hiện. Do đó, trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp, hình thức tiếp xúc trực tiếp cần được chuyển sang gián tiếp. Do vậy, việc tăng cường mối liên hệ cá nhân đại biểu HĐND với cử tri nơi được bầu cần phải được tăng cường và phát huy hơn nữa thì mới góp phần bảo đảm chất lượng hoạt động của HĐND trong mùa dịch. Vậy làm thế nào để đại biểu hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình? Đây là vấn đề mà mỗi đại biểu trên cương vị công tác, cư trú phải tự xác định để tìm cho trúng hướng đi của mình.

Ví dụ, đại biểu là người đại diện cho hội viên phụ nữ thì có thể thông qua hệ thống kênh thông tin nội bộ, nhóm nội bộ để nắm bắt thông tin và duy trì thường xuyên; khi có vấn đề cử tri phản ánh vượt quá khả năng, thẩm quyền thì kịp thời chuyển tải cho Tổ trưởng, Thường trực, các Ban HĐND để vào cuộc khảo sát, xem xét hướng giải quyết… Đại biểu là đại diện cho địa phương ứng cử lại càng thuận lợi, bởi phần lớn cử tri đều biết về người lãnh đạo địa phương của mình, đại biểu cần chủ động trao đổi và chỉ rõ các nội dung cũng như thể hiện thiện chí mong muốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri và Nhân dân. Khi đó, cử tri sẽ không ngần ngại chia sẻ với đại biểu. Từ đó, tập hợp, tổng hợp thành vấn đề chung cử tri địa phương mong muốn gửi gắm để phản ánh lên HĐND và các ngành giải quyết. Dịch bệnh nên đại biểu cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp cử tri và nên gặp gỡ gián tiếp, thông qua điện thoại, mạng xã hội.

Một số địa phương có điều kiện thì HĐND có thể thiết lập tổng đài tiếp nhận ý kiến cử tri như thành phố Hồ Chí Minh; đường dây “nóng” như HĐND một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An… Bên cạnh đó, để thông tin đến với cử tri đầy đủ, kịp thời, cơ quan dân cử cấp trên cũng có thể gửi nội dung báo cáo cử tri phối hợp cơ quan dân cử cấp dưới báo cáo thông qua các kỳ họp HĐND, phát thanh trên hệ thống truyền thanh…

BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN