Sửa đổi Luật Điện ảnh - Kỳ vọng của người làm nghề

Bài cuối: Tin vào điện ảnh

- Thứ Năm, 28/10/2021, 07:10 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, hashtag #tinvaodienanh xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, lan tỏa tinh thần, tiếng nói của những người làm phim Việt Nam mong muốn có một sân chơi công bằng, được thỏa sức sáng tạo để mang đến những bộ phim có giá trị nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Họ cũng tin rằng, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, “hết lòng cho điện ảnh” của mình sẽ được xem xét, tiếp thu, để dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được thông qua đem lại thay đổi thiết thực cho người làm nghề và tương lai của điện ảnh Việt Nam.

“Không làm lúc này thì làm lúc nào?”

“Có người bảo chúng tôi làm việc này làm gì, vì không mong thay đổi gì cả. Nhà làm phim thì cứ làm phim, sao phải đọc và góp ý dự thảo luật. Nhưng nếu mình thấy đó là việc rất quan trọng với mình thì sẽ làm hết sức để thúc đẩy nó, huy động bạn bè, đồng nghiệp đóng góp ý kiến, tranh luận nghiêm túc để đi đến cùng vấn đề. Không làm lúc này thì làm lúc nào, và nếu mình không làm thì ai làm? Hãy chăm bẵm cho những thứ nhỏ xinh ngay từ đầu nếu không chính mình sẽ phải chịu tác động trong thời gian dài” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ khi cùng một số đồng nghiệp đứng ra tổ chức các cuộc thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

		Các nhà làm phim góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Các nhà làm phim góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật đầu tiên có luật riêng, điều đó khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với điện ảnh, tạo cơ sở pháp lý đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập và nguyện vọng của nghệ sĩ sáng tác. 15 năm qua, Luật Điện ảnh đã bước đầu đặt nền tảng cho ngành công nghiệp điện ảnh: Phim tư nhân phát triển nhanh chóng, hệ thống rạp chiếu phim trải rộng khắp cả nước, Việt Nam trở thành thị trường điện ảnh hấp dẫn của châu Á. Tuy nhiên, những biến chuyển của ngành điện ảnh đang tạo khoảng cách xa giữa quy định trong Luật hiện hành và thực tiễn, gây khó cho cả nhà làm phim và cơ quan quản lý. Bởi vậy, khi Luật Điện ảnh được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi đã thu hút sự quan tâm của những người trong nghề. Họ đã cùng ngồi lại với nhau, đọc kỹ Luật Điện ảnh hiện hành và dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phân tích từng vấn đề, câu chữ trong văn bản.

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, những xới xáo thời gian qua đã đặt mọi người vào cuộc tranh luận thực sự nghiêm túc, với tinh thần đóng góp để có một dự luật hoàn thiện nhất. Khi chính các nhà làm phim “giơ tay góp ý” cho thấy họ đã ý thức được tác động của Luật đến mình lớn thế nào và cái giá phải trả nếu Luật không có sự thay đổi thiết thực cho những người làm nghề. “Luật có sai, chưa khớp ở đâu đấy, mỗi người phải tìm cách giải quyết. Mỗi người phải nhìn rộng hơn bộ phim, dự án mình theo đuổi, nhìn xa hơn thời gian công tác làm phim, nhiệm kỳ quản lý của mình. Việc hôm nay làm đã khá chậm, nhưng còn hơn ngày mai mới bắt tay thực hiện...” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Mặc dù dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn nhiều bất cập, song đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tin tưởng những ý kiến của các nhà làm phim sẽ góp phần “tạo hành lang pháp lý bảo vệ cho người làm phim giữ được tầm nhìn và sự sáng tạo của họ với tác phẩm, kiến tạo được một sân chơi công bằng, thúc đẩy điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập”.

Tôn trọng bản sắc, tiếng nói cá nhân

“Thế giới chúng ta đang sống rất phong phú, mỗi đất nước có nền văn hóa đặc trưng. Khi lựa chọn phim, chúng tôi muốn tìm tiếng nói của vùng đó, muốn hiểu được các nền văn hóa khác nhau. Tính bản địa càng rõ thì tính hội nhập càng cao, và chúng tôi tôn trọng, muốn nghe tiếng nói của người làm ra bộ phim đó, không phải tiếng nói xung quanh” - Giám đốc Quỹ Điện ảnh Thế giới (World Cinema Fund) Vincenzo Bugno chia sẻ.

Mỗi liên hoan phim quốc tế luôn có hàng nghìn kịch bản, dự án phim gửi đến tham dự, và những nhà tuyển chọn thường đề cao những dự án có tính bản địa, tính cá nhân, giá trị văn hóa mà đạo diễn có được. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm lấy ví dụ, các liên hoan phim uy tín thế giới như Cannes, Berlin, Venice… nổi tiếng với những tiếng nói táo bạo, cấp tiến, quy tụ tài năng điện ảnh, các nhà làm phim châu Á muốn lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển chọn thì phải kể được câu chuyện bản địa nhưng đưa tiêu chuẩn lên ngang tầm thế giới.

Phim Hoa ngữ thập niên 1980 - 1990 sở dĩ thăng hoa vì họ kể được những vấn đề văn hóa của nước họ. Hay phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng tranh giải tại Cannes, giới phê bình phương Tây kinh ngạc vì hình ảnh Việt Nam khác hoàn toàn. Phim đã đánh mạnh vào cảm quan thị giác, chất thơ, khiến hình ảnh Việt Nam sống động, khác những phim trước đó phương Tây làm về Việt Nam. Nước Pháp cũng ngạc nhiên về Đông Dương, nơi họ từng xâm chiếm.

“Chính những điều đó khiến các bộ phim châu Á tỏa sáng, cho thấy văn hóa luôn luôn mở theo các khía cạnh khác nhau, không chỉ có truyền thống, nhân văn. Các đạo diễn khác nhau khi khai thác các yếu tố văn hóa sẽ cho ra những bộ phim hoàn toàn khác nhau. Dù có phim nhẹ nhàng, phim dữ dội, nhưng vẫn có giá trị văn hóa”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.  

Giám tuyển Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) Park Seung-ho chia sẻ: “Là giám tuyển Liên hoan phim Busan, tôi lựa chọn nhiều phim châu Á, trong đó có phim của Việt Nam. Tôi muốn xem hình ảnh Việt Nam do người Việt Nam làm ra. Tôi cũng muốn xem các bộ phim có tính thách thức khán giả”.

Có thể thấy, Việt Nam và điện ảnh Việt Nam đang được các liên hoan phim quốc tế quan tâm, và cho dù hội nhập sâu rộng đến đâu, nếu muốn được thế giới chú ý thì bắt buộc các nhà làm phim Việt Nam phải có tiếng nói riêng, trước hết để được thế giới chấp nhận xem phim của mình. Và những chính sách, quy định đưa ra trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho những sáng tạo ấy. Tin là như vậy!

Nhật Linh - Ngọc Phương