Giữ trọn niềm tin với cử tri

Bài cuối: Trách nhiệm hơn với bảo vệ môi trường

- Thứ Ba, 20/07/2021, 06:12 - Chia sẻ
Điểm qua những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có thể thấy, bên cạnh những nội dung về đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ, chính sách…; nhóm vấn đề liên quan đến giải pháp bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn, trách nhiệm hơn của mỗi đại biểu, cơ quan dân cử trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Tài nguyên, môi trường luôn là vấn đề nóng trong nhiều diễn đàn kỳ họp HĐND cấp tỉnh
Ảnh: T. Lê

Mối quan tâm đặc biệt của cử tri

Không chỉ phản ánh, kiến nghị những vấn đề liên quan thiết thực đến quyền lợi cá nhân, tại các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri nhiều địa phương bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điển hình, vấn đề mong mỏi nhất của cử tri thành phố Đà Nẵng là có một môi trường sống trong lành, không ô nhiễm rác thải, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, không khí trong lành, bờ biển xanh sạch… Vì vậy, cử tri kiến nghị nhiều về việc xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, vận hành hiệu quả và tổ chức lại phương thức thu gom rác, chấm dứt tình trạng vận chuyển rác ô nhiễm môi trường hiện nay; vấn đề nước thải ô nhiễm môi trường biển; việc di dời các nhà máy, doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư…

Quan tâm và trăn trở trước tình trạng, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là rác thải, nước thải bẩn; việc thu gom, phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, rác thải nhựa, túi ni lông vẫn sử dụng bừa bãi… cử tri Hà Tĩnh mong muốn các cấp, các ngành có biện pháp giải quyết, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, cơ sở chế biến thực phẩm... Trong sản xuất nông nghiệp, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng cần có những khuyến cáo, giải pháp để người dân hiểu rõ tác hại và hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu bệnh bừa bãi; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ ở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hay cử tri Quảng Trị thì phản ánh tình trạng các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời trên địa bàn gây ô nhiễm nguồn nước và sức khỏe của người dân; diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn, gây ra nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống; các lòng hồ trong khu vực cạn kiệt. Lo lắng trước thực trạng này, cử tri kiến nghị tỉnh bên cạnh việc cho đầu tư xây dựng các công trình điện gió, điện năng lượng mặt trời, cần có chính sách tái khôi phục môi trường, trồng rừng, khôi phục hiện trạng các hồ chứa... để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương…

Nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để

Theo dõi diễn đàn kỳ họp HĐND các địa phương, nhất là cấp tỉnh những nhiệm kỳ qua, vấn nạn ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề "nóng" được đặt ra để bàn thảo, chất vấn tìm giải pháp khắc phục. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, trở thành điểm “nóng” từ kỳ họp này đến kỳ họp khác, từ cuộc tiếp xúc cử tri này đến cuộc tiếp xúc cử tri khác, cử tri vẫn kiến nghị, bức xúc… đồng nghĩa với việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả trên thực tế. Bên cạnh những khó khăn khách quan, vẫn còn nguyên nhân chủ quan do các đại biểu và cơ quan dân cử chưa thực sự trách nhiệm, quyết liệt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả khôn lường trên phạm vi toàn cầu và từng quốc qua như hiện nay, mà một trong những nguyên nhân quan trọng do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, bài toán tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ ở phạm vi quốc tế và quốc gia mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng ở từng địa phương, cơ sở. Trong đó, có vai trò của các đại biểu, cơ quan dân cử đã được cử tri gửi gắm niềm tin qua những lá phiếu tín nhiệm.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cao hơn, trách nhiệm hơn của mỗi đại biểu, cơ quan dân cử, nhất là cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Từ việc quan tâm hơn đến đánh giá tác động môi trường trong xem xét, quyết định các dự án đầu tư, trong đó có việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tham vấn cộng đồng trước khi triển khai các dự án liên quan đến đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân như kiến nghị cử tri; tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát về tài nguyên - môi trường; hay ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo công nghệ mới ít gây tác động đến môi trường, trong đó có công nghệ xử lý rác thải… đến tích cực đôn đốc giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn.

Đông đảo cử tri và Nhân dân các địa phương đang kỳ vọng rất lớn vào việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu và cơ quan dân cử địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của từng địa phương cũng như của quốc gia, dân tộc.

 

 

 

SONG NGUYÊN