Ý thức, trách nhiệm - Lá chắn phòng, chống dịch

Bài cuối: Vai trò “xung kích” của truyền thông cơ sở

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:48 - Chia sẻ
Khi bản đồ dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng lan rộng, để bảo đảm an toàn mà vẫn hiệu quả trong công tác tuyên truyền và để mọi người dân đều có ý thức chấp hành nghiêm quy định, nhiều địa phương đã phát huy sức mạnh của hệ thống truyền thanh cơ sở.

“Cõng” loa phát thanh

Cả nước hiện có 9.700 loa đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn, cùng với đó là 673 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Đây là lực lượng chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

Là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, một trong những biện pháp để tỉnh Bắc Giang có thể đưa thông tin, chỉ đạo mới nhất về tình hình, diễn biến của dịch bệnh đến với tất cả mọi người dân, nhất là với những người dân vùng sâu, vùng xa... đó là phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở. Đơn cử tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động, những ngày qua, ngoài tiếng phát thanh từ chiếc loa nén cố định của xã, còn có lực lượng thanh niên “cõng” những chiếc loa trên xe máy đến từng nhà, từng ngõ để tuyên truyền về các văn bản, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh, huyện về phòng, chống dịch Covid-19 giúp người dân ở những bản, xóm, ngõ xa xôi nhất dễ dàng nắm bắt; thực hiện tự phòng, chống dịch cho bản thân, bảo vệ cộng đồng...

Cách thức tuyên truyền này không chỉ được triển khai tại tỉnh Bắc Giang, mà tại nhiều địa phương khác như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hóa, các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều tỉnh, thành phía Nam - nơi đang là điểm nóng về dịch Covid-19 cũng được đẩy mạnh và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ người dân. Bà Hà Thị Hoa ở Bá Thước, Thanh Hóa cho biết: "Nhà tôi ở xa khu vực loa phát thanh của thôn, nên nghe không rõ những thông tin về dịch bệnh Covid-19. Từ ngày có lực lượng thanh niên tuyên truyền lưu động đến tận ngõ, tôi nghe rất rõ và hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tôi và gia đình đã ý thức hơn trong phòng chống dịch, mỗi khi ra đường đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không sang nhà hàng xóm chơi, không tụ tập đông người”.

Cùng bày tỏ sự đồng tình với cách tuyên truyền này, ông Nguyễn Kha, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Mặc dù thông tin về dịch bệnh cũng như những thông tin chỉ đạo công tác phòng chống dịch liên tục được phát trên ti vi, báo đài, mạng xã hội, song tôi vẫn thích nghe thông tin trên loa phường hơn. Những ngày qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thành phố đã chủ động cho mở lại và tăng cường thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa phường là rất tốt. Thực tế từ lâu, việc nghe và tiếp nhận thông tin trên hệ thống loa xã, phường đã trở thành thói quen, ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân Hà Nội", ông  Kha  chia  sẻ. 

Nhiều địa phương phát huy sức mạnh của hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Nguồn: ITN 

Cần thiết thực, dễ hiểu

Có thể thấy trên mặt trận truyền thông về dịch bệnh Covid-19, hệ thống phát thanh cơ sở (loa phường, xã) đang đảm nhận vai trò “xung kích” trên tuyến đầu khi len lỏi vào từng thôn, bản, xóm, ngõ. Và thực tế để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong công tác tuyên truyền hiện nay, các địa phương trong cả nước đều sử dụng và phát huy vai trò, hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở.

Tuy vậy thực tế cho thấy, đâu đó vẫn còn những vi phạm trong công tác phòng chống dịch như: Vẫn còn nhiều người không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, ra đường tập thể dục... bất chấp lệnh của một số địa phương về việc cấm người dân ra đường khi không cần thiết. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia về xã hội là do công tác tuyên truyền chưa tới nên mới có những câu chuyện người dân viện lý do như: “tôi không biết về lệnh cấm”,  “tôi chỉ ra ngoài tập thể dục, nâng cao sức khỏe thôi mà”, hay “tôi chỉ chạy ù ra ngoài một chút để đưa cái lọ, cái chai”...

Bày tỏ quan điểm khi tiếp nhận thông tin trên hệ thống loa phường với phóng viên, một số người dân ở địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình cho biết: Trong một "rừng" thông tin về dịch bệnh Covd-19 hiện nay, để kiểm định tính chính xác của thông tin, nhiều người dân đã chọn chiếc loa phường làm bạn. Bởi thông tin từ hệ thống này được kiểm định kỹ lưỡng, được thể hiện từ các văn bản chính thống, giúp người dân yên tâm hơn trước những tin đồn, tin giả về dịch bệnh tràn lan trên mạng xã hội. Dẫu vậy, nhiều người dân mong muốn nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cần cô đọng, ngắn gọn, súc tích hơn, thậm chí với từng đối tượng cần có nội dung phù hợp, tránh dàn trải để mọi người dễ tiếp thu hơn, tránh tình trạng loa nói cứ nói, người nghe cứ nghe, còn việc hiểu và hành động, thực hiện đến đâu lại là chuyện khác - chị Lê Thị Hậu (Mai Châu, Hòa Bình nói.

Rõ ràng, trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, để người dân chấp hành nghiêm quy định trong phòng chống dịch thì hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở đã được nhiều địa phương nhìn nhận. Nhưng, để mọi người dân chấp hành nghiêm quy định của luật, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch thì nội dung tuyên truyền cũng cần phải được quan tâm chú trọng, thông tin cần ngắn gọn, dễ hiểu, thậm chí xây dựng câu chuyện để người dân dễ hình dung, nắm bắt, tiếp thu. Vì chỉ khi kiến thức được tiếp thu trọn vẹn, đầy đủ, khi đó mỗi người dân sẽ tự có ý thức, trách nhiệm hơn với sức khỏe, tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Đây cũng chính là “vũ khí mềm” để chống dịch Covid-19 hiệu quả.

H. Thanh - M. Hiền