Khen thưởng đại biểu dân cử

Bài cuối: Chủ thể khen thưởng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:05 - Chia sẻ
Trên cơ sở thống nhất với quan điểm cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về công tác khen thưởng đại biểu dân cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong hệ thống cơ quan dân cử để xác định chủ thể có thẩm quyền khen thưởng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND. Điều này bảo đảm với nguyên tắc hoạt động theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số của các cơ quan dân cử. Khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền khen thưởng đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND có thẩm quyền khen thưởng đại biểu HĐND cùng cấp.
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 - ẢNH TRẦN THU
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Trần Thu

Xây dựng pháp luật khen thưởng trong hệ thống cơ quan dân cử

Đại biểu dân cử do Nhân dân bầu để thực hiện quyền lực nhà nước trong các cơ quan dân cử. Khi công tác khen thưởng đại biểu dân cử đặt dưới sự thống nhất quản lý của cơ quan hành chính, cơ quan chấp hành của cơ quan dân cử sẽ khó bảo đảm tính khách quan. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng pháp luật khen thưởng độc lập trong chính hệ thống cơ quan dân cử. Để thực hiện điều này, cần xác định mối quan hệ giữa các cơ quan dân cử.

Hiện nay, tính hệ thống giữa các cơ quan dân cử là vấn đề còn nhiều ý kiến khi phân định mối quan hệ cấp trên - cấp dưới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa các cơ quan khi có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành) đã gián tiếp quy định về mối quan hệ trên - dưới của hệ thống các cơ quan dân cử.

Trên phương diện tổ chức, mối quan hệ thông qua thẩm quyền của cơ quan dân cử cấp trên trong việc phê chuẩn kết quả bầu/miễn nhiệm/bãi nhiệm nhân sự chủ chốt của cơ quan dân cử cấp dưới. Trên phương diện hoạt động là quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của đoàn ĐBQH, ĐBQH và HĐND các cấp. Đây là cơ sở để thiết lập mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan dân cử ở địa phương trong công tác hướng dẫn tổ chức hoạt động nói chung và công tác khen thưởng đại biểu dân cử nói riêng. Điều này bảo đảm tính phù hợp với các quy định hiện có về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Khoản 2, Điều 41, Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành) và Khoản 6, Điều 103, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành).

Cần bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động

Cơ chế khen thưởng đại biểu dân cử cần dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ đại diện phù hợp với nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền, trong đó trọng tâm là kết quả thực hiện chức năng đại diện cho Nhân dân. Do vậy, tiêu chí khen thưởng cần được đánh giá thông qua những con số định lượng như: Tỷ lệ đơn thư giải quyết; sự tham gia vào các hoạt động tại cơ quan dân cử như số lượng và chất lượng các phát biểu ý kiến, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND… Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khen thưởng đối với đại biểu dân cử còn là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu kiêm nhiệm tham khảo cho việc đánh giá công tác khi xét khen thưởng tại các cơ quan nơi đại biểu kiêm nhiệm làm việc.

Với cơ chế hoạt động theo nhiệm kỳ, việc xác định thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử cũng là một tiêu chí để xem xét, quyết định hình thức khen thưởng trong cùng cấp chính quyền địa phương; hoặc là điều kiện để xem xét khen thưởng đối với các hình thức khen thưởng cao hơn của cơ quan dân cử cấp trên.

Với chức năng, nhiệm vụ đối với hoạt động của ĐBQH và cơ quan dân cử tại chính quyền địa phương (HĐND các cấp), Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đủ thẩm quyền và điều kiện xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động để làm cơ sở khen thưởng đại biểu dân cử.

Xác định cơ quan có thẩm quyền khen thưởng

Trên cơ sở thống nhất với quan điểm cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về công tác khen thưởng đại biểu dân cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong hệ thống cơ quan dân cử để xác định chủ thể có thẩm quyền khen thưởng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND. Điều này bảo đảm với nguyên tắc hoạt động theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số của các cơ quan dân cử. Khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền khen thưởng đại biểu Quốc hội. Thường trực HĐND có thẩm quyền khen thưởng đại biểu HĐND cùng cấp.

Trong trường hợp có nhiều hình thức, cấp độ khen thưởng khác nhau thì nên thiết kế hệ thống thẩm quyền theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khen thưởng đại biểu HĐND cấp tỉnh hoặc đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã khi có đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp đại biểu dân cử được tái cử nhiều nhiệm kỳ.

Quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử, cần có sự đồng hành của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử. Quy định tại Điều 45, Nghị quyết số 310/NQ-UBTVQH về vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân là một gợi ý để bảo đảm quyền của Nhân dân trong quy trình khen thưởng đại biểu do mình bầu ra.

                                                                                     

TS. HOÀNG THỊ LAN