Tổng tuyển cử tại Iraq

Bản đồ chính trị bị xé lẻ

- Thứ Ba, 29/04/2014, 08:37 - Chia sẻ
Đến với cuộc tổng tuyển cử ngày 30.4, tổng tuyển cử đầu tiên từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq hồi cuối năm 2011, cử tri Iraq mang theo sự hoài nghi đối với chính giới và sự chia rẽ giữa các dòng Hồi giáo. Thực tế này dẫn đến khả năng sẽ không có đảng nào giành được ưu thế và quá trình thành lập chính phủ hứa hẹn gặp nhiều khó khăn.

Hơn 9.000 ứng cử viên đại diện cho gần 280 thực thể chính trị đã đăng ký tranh cử vào Quốc hội Iraq gồm 328 ghế. Hiến pháp nước này quy định “khối chính trị lớn nhất” trong Quốc hội sẽ có quyền chỉ định Thủ tướng để thành lập Nội các. Theo phán quyết năm 2010 của Tòa án Tối cao liên bang, “khối chính trị lớn nhất” có thể là liên minh tranh cử lớn nhất hoặc liên minh lớn nhất được thành lập sau bầu cử. Phán quyết này đã bổ sung điều khoản vào cơ chế bầu cử phân chia số ghế theo khu vực bầu cử đã được sửa đổi trước đó, theo hướng giảm các ưu đãi cho những chính đảng lớn, nhằm ngăn các đảng lớn và chính khách kỳ cựu thành lập những liên minh tranh cử lớn mà trong đó các thành viên có những xung đột về lợi ích.


Poster tranh cử của các đảng tại Iraq Nguồn: AP
Mặc dù Liên minh Nhà nước luật pháp của Thủ tướng đương nhiệm Nuri al-Maliki là liên minh tranh cử lớn duy nhất tại Iraq trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2010, song đến với cuộc bầu cử lần này, nhiều thành viên đã tìm kiếm lá phiếu riêng cho mình. Cách đây 4 năm, liên minh này về thứ hai với 89 ghế Quốc hội, nhưng sau đó đã liên kết với một khối khác để thành lập liên minh lớn hơn và có quyền thành lập chính phủ. Vào thời điểm đó, đây là một cú sốc đối với Liên minh Iraqiya dẫn đầu với 91 ghế. Nhiều nhà quan sát cho rằng Liên minh Nhà nước luật pháp theo dòng Hồi giáo Shiite sẽ tiếp tục dẫn đầu cuộc bầu cử này, song khó có thể giành được thế đa số do đối mặt với những thách thức từ các đối thủ khác, không chỉ từ các chính đảng Hồi giáo dòng Sunni mà cả từ những khối cùng hệ tư tưởng Shiite. Điều này đặc biệt khó khăn hơn khi Liên minh Dân tộc Iraq về thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2010 với 70 ghế, vốn là đối tác của Liên minh Nhà nước luật pháp, tuyên bố rút khỏi cuộc tổng tuyển cử năm nay và nhiều thủ lĩnh nặng ký đã chuyển sang các liên minh tranh cử nhỏ khác.

Hiện tại Liên minh Nhà nước luật pháp phải đối mặt của Liên minh Công dân, do Chủ tịch Hội đồng Tối cao Hồi giáo, ông Ammar al-Hakim, đứng đầu và Liên minh Ahrar của những người ủng hộ Phong trào Hồi giáo Sadrist. Trong khi đó, Liên minh Iraqiya theo đường lối thế tục, vốn nhận được sự ủng hộ của người Hồi giáo dòng Sunni tại nhiều địa phương, giờ đây xé lẻ thành nhiều nhóm nhỏ, gồm Liên minh Đoàn kết vì cải cách do Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi đứng đầu, Liên minh al-Arabiya của Phó thủ tướng Salih al-Mutlak, và Liên minh Dân tộc của cựu Thủ tướng tạm quyền Ayad Allawi.

Trong khi đó, khối chính trị dòng Sunni mới được thành lập có tên là Phẩm giá với khoản tiền kếch sù của tỷ phú Khamis al-Khanjar đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của người dân với những tuyên bố ủng hộ những người Sunni bị chính quyền Shiite gạt sang bên lề.

Cũng không thể bỏ qua một thế lực chính trị khác tại Iraq - đó là những người Kurd với hai chính đảng lớn tại vùng tự trị - đảng Dân chủ Kurd của nhà lãnh đạo Masoud Barzani và Liên minh yêu nước Kurd của Tổng thống Iraq Jalal Talabani. Cả hai chính đảng này đã đăng ký tranh cử riêng rẽ tại phần lớn các khu vực bầu cử. Điều này cho thấy một cuộc chiến giành quyền lực giữa những người Kurd khi phong trào Thay đổi cũng của tộc người này trong những năm gần đây đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một thách lớn không nhỏ đối với hai chính đảng còn lại của người Kurd.

Ngoài ra, còn khá nhiều liên minh và các chính đảng nhỏ lẻ khác chỉ nuôi tham vọng nhỏ bé là giành một vài ghế trong Quốc hội.

Trước một cuộc chơi với quá nhiều người chơi như vậy, có lý do để quan ngại về một bức tranh bầu cử không mấy khả quan tại Iraq và bản đồ chính trị nước này sẽ ngày càng bị xé lẻ. Quốc hội mới sẽ là một dàn hợp xướng nhưng thiếu đi một nhạc trưởng có đủ khả năng cầm trịch. Lẽ tất yếu, các diễn biến chính trị sau đó sẽ hết sức phức tạp và khó có thể nhanh chóng thành lập được một chính phủ mới. Điều này đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm khi những tranh cãi về kết quả kiểm phiếu, cơ sở pháp lý và đàm phán thành lập liên minh đã kéo theo 8 tháng bế tắc chính trị. Với cuộc bầu cử tới, tình hình cũng không khả quan hơn và con đường thành lập chính phủ mới sẽ không ít gập ghềnh.

Huỳnh Vũ