Bản đồ tư duy, Bản đồ di tích quốc gia. Hai bản đồ sáng tạo...

- Thứ Ba, 19/06/2012, 08:28 - Chia sẻ
Sau khi Bộ GD - ĐT chủ trì cùng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam và Hội Khuyến học VN phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT, HSTC) trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013.

4 năm qua, phong trào thi đua đã huy động được các lực lượng xã hội cùng tham gia xây dựng THTT, HSTC, chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện một cách sinh động trong các hoạt động thực tiễn. Nhiều hoạt động giáo dục với những yếu tố đổi mới nhằm nâng cao, chất lượng và hiệu quả giáo dục nói chung và THCS nói riêng đã được triển khai, góp phần liên tục nhiều năm qua luôn là một trong những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục. Trong đó việc xây dựng và triển khai ứng dụng các sản phẩm như Bản đồ tư duy (BĐTD), Phần mềm tra cứu thông tin Bản đồ Di tích lịch sử quốc gia (BĐDTLSQG) trong dạy học là những đóng góp cụ thể nhằm bổ trợ kiến thức và kỹ năng dạy và học cho giáo viên và học sinh thông qua hoạt động thực tiễn đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ không chỉ trong khuôn viên lớp học mà ở mọi không gian giáo dục, có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả mạnh mẽ trong phạm vi toàn ngành giáo dục. Rộng mở không gian sáng tạo với “Bản đồ tư duy”


Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ - Hai Bà Trưng - Hà Nội cho rằng thành quả nhà trường đã đạt được khi áp dụng phương pháp Bản đồ tư duy trong công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Nhóm cán bộ khoa học chủ trì ở Dự án Phát triển THCSII và Viện KHGD VN là những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ GD - ĐT  ra văn bản chỉ đạo và trực tiếp triển khai tập huấn phổ biến BĐTD tới hệ thống  1.000 trường. trường trung học cơ sở toàn quốc rất vui mừng cho biết hiện nay BĐTD đã được vận dụng linh hoạt cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác trên  phạm vi rộng, toàn cấp THCS. Sử dụng BĐTD trong  kinh doanh, lãnh đạo quản lý, dạy học… đã và đang được áp dụng thành công với các mức độ khác nhau ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và mới đây đã được nghiên cứu khá bài bản về lý luận và áp dụng có hiệu quả ở Việt Nam nhằm giúp GV truyền thụ kiến thức một cách sinh động, hệ thống và mô hình hóa để HS có thể học, tự học tích cực, có một tư duy tổng thể về bài học, giúp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng kiến thức. Từ kiến thức được diễn đạt trong nhiều trang sách và cả vận dụng thực tế, BĐTD giúp tinh lọc lại chỉ còn trong một sơ đồ, và ngược lại, từ sơ đồ này, học sinh hình dung, liên tưởng và phát triển mở rộng kiến thức một cách logic hai chiều nên sự ghi nhớ được sâu sắc hơn. Sử dụng BĐTD yêu cầu HS phải tự suy nghĩ để thiết lập nội dung bài học theo cách hiểu của mình nên trên thực tế hai năm học 2010 - 2011 và  2011 - 2012 vừa qua BĐTD thực sự là một công cụ chống “đọc - chép” , “học vẹt” rất hiệu quả, được các cấp của ngành giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh triển khai mạnh mẽ.

Bản đồ tư duy kết hợp hài hòa giữa từ ngữ, hình ảnh, đường nét, màu sắc phù hợp tương thích với cấu trúc, hoạt động và chức năng của bộ não giúp con người khai thác tiềm năng vô tận của bộ não. Nó là một công cụ tư duy nền tảng, có tính logic chặt chẽ của toán học, vừa tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, vừa kế thừa dạy học bằng sơ đồ bảng, biểu của các thầy cô giáo dạy giỏi của giáo dục nước nhà, vừa  là một trong những phương pháp để chuyển tải thông tin vào não rồi đưa ra ngoài. Chính vì vậy, BĐTD cũng là một công cụ hữu ích để dạy - học, giúp cho việc học của HS trở nên tích cực hơn. BĐTD là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông và các bậc học cao hơn vì chúng giúp GV và HS trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, hệ thống kiến thức, ghi nhớ và đưa ra ý tưởng mới. Có thể vận dụng BĐTD cho rất nhiều môn học trong trường phổ thông cũng như lập kế hoạch công tác.  Đặc biệt, HS sẽ “học cách học”, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. GV sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất sẽ giúp HS nắm được kiến thức thông qua một “bản đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức.


Học sinh Trường THCS Vân Hồ, Hà Nội áp dụng phần mềm “Tra cứu di tích lịch sử” trong học tập.

Phương tiện và cách thức để lập BĐTD đều rất đơn giản, có thể thực hiện trong bất cứ điều kiện cơ sởã vật chất nào. Điều quan trọng là GV hướng cho HS có thói quen lập BĐTD sau khi học một bài hay một chủ đề, một chương để giúp các em có cách sắp xếp kiến thức một cách khoa học, logic. Các nhóm học sinh sẽ rất hứng thú khi được tự do sáng tạo “tác phẩm” BĐTD theo cách riêng của mình. Với các trường có cơ sở hạ tầng CNTT tốt, có thể cài vào máy tính phần mềm Mindmap miễn phí cho cán bộ quản lý giáo dục, GV trong công việc soạn bài, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới báo cáo, đổi mới hoạt động ngoại khóa…

Trong 3 năm qua,  dưới sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ GD - ĐT, sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); các cán bộ nghiên cứu thuộc Dự án Phát triển Giáo dục THCSII kết hợp với Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Trung học và Cục Nhà giáo của Bộ GD - ĐT và Sở GD - ĐT các tỉnh đến các vùng miền của đất nước để nghiên cứu và nhân rộng phương pháp mới này cùng với 5 chuyên đề hiệu quả khác. Trên 30 bài báo khoa học cùng với 5 cuốn của bộ sách: “Dạy tốt - học tốt các môn học và sáng tạo bằng bản đồ tư duy”  dùng cho GV và HS từ lớp 4 đến lớp 12 và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhóm tác giả hợp tác với Nhà xuất bản giáo dục phát hành cùng với sự nhiệt huyết của nhóm nghiên cứu và các cộng sự đã thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh phổ thông.

Năm 2010, BĐTD được ứng dụng thí điểm trong dạy và học tại 355 trường trên toàn quốc và được cả giáo viên cũng như học sinh các trường hồ hởi tiếp nhận. Kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy: việc vận dụng BĐTD trong dạy học sẽ dần hình thành cho HS tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, “định vị trong đầu” được các kiến thức, sự kiện cơ bản, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học, học tốt không chỉ kiến thức trong sách vở mà còn cả từ thực tiễn cuộc sống. Trước kết quả khả quan này, năm 2011, Bộ GD - ĐT đã quyết định đưa chuyên đề phương pháp dạy học bằng BĐTD thành 1 trong 5 chuyên đề tập huấn; qua đó 63 Sở giáo dục, 700 phòng và 1.000 trường THCS trên toàn quốc đã triển khai linh hoạt phương pháp dạy học mới này. Đặc biệt, tuy Bộ mới triển khai ở cấp THCS nhưng nhiều sở/phòng GD - ĐT thực hiện chủ trương đổi mới của ngành đã chủ động ra nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tập huấn mở rộng cho cấp tiểu học và trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và coi đó là khâu đột phá đổi mới về phương pháp dạy học.  

Bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia… cách dạy và học  mới hấp dẫn

Năm học 2011 - 2012, phát huy kết quả nghiệm thu tốt đẹp sau cuộc thi “sáng tạo giáo dục”; Lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục giao cho Dự án phát triển giáo dục THCS II phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì thiết kế phát triển mở rộng đề tài “phần mềm bản đồ di tích quốc gia”. Phần mềm bản đồ di tích quốc gia là một trong những hoạt động nhằm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, giai đoạn 2008 - 2013 với mục tiêu hỗ trợ hoạt động chăm sóc, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa và hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Với bản đồ này, học sinh sẽ dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin về các vùng, miền dựa trên nguồn thông tin được cung cấp từ chính các trường THCS trong cả nước gửi về qua email cho Dự án.

Chỉ trong một thời gian 1 năm miệt mài nghiên cứu, cán bộ nghiên cứu thuộc Dự án Phát triển Giáo dục THCS II và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hợp tác với Cục di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành về cơ bản phần mềm bản đồ di tích  quốc gia. Tuy mới được triển khai điểm ứng dụng vào hỗ trợ dạy và học, hoạt động ngoại khóa ở trường học phổ thông một số địa phương nhưng phần mềm này đã phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Phần mềm bản đồ di tích lịch sử giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử nước nhà. Kho kiến thức và các tiện ích của phần mềm tra cứu thông tin Di tích quốc gia hỗ trợ cho thầy và trò các nhà trường nhanh chóng, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; những kinh nghiệm quý hỗ trợ công tác chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực”.

Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa thông tin về các di tích quốc gia của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng phần mềm này cố gắng chọn lọc các thông tin di tích gần gũi với chương trình giáo dục phổ thông, làm nguồn tư liệu bổ ích và thiết thực trong việc giáo dục truyền thống và hỗ trợ dạy học các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… tổ chức các hoạt động ngoại khóa và hỗ trợ phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành phát động. Phần mềm Bản đồ tra cứu thông tin quốc gia có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, không tốn kém, không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc mà còn mang tính xã hội, giúp cán bộ quản lý giáo dục, quản lý di tích, giáo viên, học sinh… tra cứu thông tin về các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia của các tỉnh, thành phố trong cả nước và các trường học nhận chăm sóc các di tích này. Phần mềm và các chuyên đề đã  cơ bản hoàn thiện, có thể  đưa triển khai áp dụng điểm trong nhà trường làm tài liệu tham khảo, trong quá trình áp dụng sẽ  tiếp tục bổ sung thông tin.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, TS Trần Đinh Châu và TS Đặng Thu Thủy đồng tác giả chủ trì của cả hai công trình trên cho biết: “Các sản phẩm hỗ trợ dạy học hiệu quả này là kết quả của sự say mê nghiên cứu nhiều năm qua với mong muốn được đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thành công chung của giáo dục nước nhà. Các sản phẩm này khi thực hiện đã quán triệt đúng theo chỉ đạo chung của GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Hội nghị giao ban cơ quan Bộ đầu năm học 2010 - 2011: tinh thần của khoa học giáo dục phổ thông là khi nghiên cứu phải sâu sắc, kỹ lưỡng, công phu nhưng khi phổ biến phải đơn giản, cụ thể, rõ ràng”.

Trên  thực tế hiện tượng khá phổ biến  “đọc - chép” và thói quen “học vẹt” kéo dài trong hàng chục năm qua gây bức xúc trong xã hội; gần đây, với sự nỗ lực cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo đã được khắc phục cơ bản qua rất nhiều chủ trương của Lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo trong đó có việc ứng dụng BĐTD, BĐDTLS linh hoạt cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chỉ khi học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, dạy học hấp dẫn, nội dung bài học chính xác, phong phú thì việc dạy học tích cực mới hiệu quả lâu dài.