Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tham gia

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:51 - Chia sẻ
Có thể kể đến hàng loạt văn bản liên quan đến thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công như: Luật Giáo dục; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Điện ảnh; Luật Thư viện; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Đo lường; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đấu giá tài sản, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp; Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp; Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bưu chính…

Gần đây nhất, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã quy định các lĩnh vực thu hút khu vực tư nhân đầu tư theo phương thức đối tác công tư như giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực…

Cùng với việc quy định phạm vi thu hút các nhà đầu tư tư nhân, thì Nghị định 94/2017/NĐCP quy định 20 ngành, lĩnh vực hạn chế tư nhân tham gia cung cấp như vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu…

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, việc thực hiện chưa thực sự triệt để và còn khác nhau ở các lĩnh vực. Điển hình, pháp luật chỉ hạn chế tư nhân tham gia cung cấp 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; vậy nhưng do các cơ chế về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu, đấu giá tài nguyên chưa được hoàn thiện nên số lượng các lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân chưa được tham gia vẫn còn khá lớn.

Theo Báo cáo Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, khách hàng sử dụng dịch vụ công phản ánh tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho các đơn vị nhà nước tương đối phổ biến (29% doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức) cao hơn nhiều so với các đơn vị tư nhân trong nước (16%) và đơn vị nước ngoài (6%).

Đáng chú ý, các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của các đơn vị nhà nước cho biết, họ còn gặp khó khăn trong việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ do các đơn vị nhà nước thường được ủy quyền kinh doanh những dịch vụ mà tư nhân không hoặc ít được làm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ cho rằng, họ bị đối xử kém thuận lợi hơn các đơn vị nhà nước, trong khi các đơn vị nhà nước lại lo ngại nhiều đơn vị tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ.

Từ thực tế này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần sớm xây dựng danh mục dịch vụ công bắt buộc phải đấu thầu, cho phép tư nhân tham gia cung ứng. Thực tế, liên quan đến vấn đề này Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó, đã quy định phạm vi đấu thầu cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ cho các cơ quan nhà nước rất rộng. Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều trường hợp, Nhà nước vẫn duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của Nhà nước; việc cho phép tư nhân tham gia cung cấp các gói thầu này vẫn rất hạn chế.

Báo cáo nêu trên của VCCI cũng khuyến nghị các biện pháp đổi mới việc cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Bao gồm: cần phân loại các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn nắm giữ và các lĩnh vực cho tư nhân tham gia; cần có danh mục những dịch vụ công bắt buộc phải đấu thầu, cho phép tư nhân tham gia cung ứng; có kế hoạch doanh nghiệp hóa và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, trong đó lưu ý tránh bẫy cổ phần hóa, chuyển từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân; phân biệt dịch vụ độc quyền và dịch vụ có cạnh tranh; Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò cấp phép và giám sát chất lượng dịch vụ công cho phép tư nhân cung cấp...

Phạm Hải