Bạn đọc viết:Mở lối cho phát triển

- Thứ Ba, 24/08/2021, 05:55 - Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1.378 văn bản (gồm 107 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.271 văn bản của chính quyền cấp tỉnh). Qua kết quả kiểm tra các tháng đầu năm 2021, kết quả kiểm tra “gối đầu” của năm 2020, Cục này đã phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản, gồm 64 văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số này, có 25 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.

Đặc biệt, Cục đã hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện rà soát văn bản để phát hiện, xử lý các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 7.6.2021 về Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; đồng thời báo cáo, kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, bổ sung; tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Như vậy, việc phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, chỉ rõ 10 bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… tập trung ưu tiên trí tuệ, nhân lực để sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ vướng mắc tại 29 luật. Đây chỉ là những văn bản ưu tiên tháo gỡ trước mắt, còn kết quả rà soát từ các bộ, ngành và 63 địa phương cho thấy có: 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ đang là rào cản của sự phát triển KT - XH. Số lượng văn bản này cho thấy một khối lượng công việc lớn đang chờ đội ngũ những người làm công tác rà soát văn bản, cũng như pháp chế bộ, ngành.

Công điện cũng xác định rõ thời điểm các bộ, ngành phải hoàn thành như: Các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22.8.2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30.8.2021 để trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Hai (dự kiến tháng 10.2021). Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 5.10.2021, để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15.10.2021.

Có thể thấy, để kịp được mốc thời gian trên, các bộ, ngành cần ưu tiên những vấn đề thực sự là điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng… Đây thực tế là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đề xuất trong nhiều năm qua, nhưng việc tháo gỡ chỉ dừng lại ở “gỡ cho cơ quan quản lý, vẫn khó cho doanh nghiệp” như  giấy phép xây dựng, giấy phép cấp điện; các loại giấy tờ liên quan đến phòng, chống cháy nổ...

Đình Khoa