Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV

Bàn giải pháp nâng cao giá trị cây chè

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 06:01 - Chia sẻ
Tính đến hết năm 2020, tỉnh Lai Châu có 7.300ha chè. Giai đoạn 2021 - 2026, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh tiếp tục xác định chè là cây trồng chủ lực và phấn đấu tăng diện tích lên 10.000ha. Làm sao để tăng giá trị kinh tế cho cây chè là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thức – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn tại hội trường
Ảnh: Tường Vy

Đẩy mạnh chế biến sâu

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Xuân Thức nêu vấn đề, hiện nay, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất chè trên địa bàn chủ yếu sản xuất, chế biến thô rồi bán lại; một số ít ủy thác cho các DN khác xuất khẩu thô với giá thành không cao. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đã có 7 sản phẩm chè có nhãn hiệu được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao nhưng việc chế biến sản phẩm từ chè đã có nhãn hiệu còn rất hạn chế. Một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho biết: Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giá giống trồng mới, trồng tái canh, hỗ trợ cây trồng xen và mở đường giao thông phục vụ sản xuất. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 7.802ha với tổng sản lượng búp tươi đạt trên 35.000 tấn. Toàn tỉnh có 52 cơ sở chế biến, trong đó có 14 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa; 3 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần chè Tam Đường, Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty Cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu. Ngoài ra, có 38 cơ sở mini sơ chế chè búp tươi thành sản phẩm chè khô sao lăn.

Lý giải nguyên nhân khiến sản phẩm chè Lai Châu vẫn chủ yếu ở dạng chế biến thô, ông Hải cho biết: Một phần do các DN trên địa bàn vẫn chủ yếu là DN nhỏ, năng lực quản lý, tài chính, thị trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách hiện nay cơ bản tập trung hỗ trợ về giống và chuẩn bị đất. Chưa kể đến thiết bị, công nghệ chế biến của các DN đa số đã cũ và lạc hậu. Cũng bởi chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu nên giá trị kinh tế mang lại từ cây chè trên địa bàn còn thấp. Đến nay, chè của Lai Châu chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Đài Loan, Pakistan… Các DN vẫn mới chỉ dừng lại ở việc tiếp cận các thị trường truyền thống với các điều kiện, tiêu chuẩn quen thuộc mà chưa mạnh dạn thay đổi. 

Về định hướng nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè của Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải khẳng định: Chè Lai Châu đủ tiêu chuẩn để chế biến sâu, cho ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong phân khúc cao cấp. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, định hướng để các DN chè có cam kết về lộ trình thay đổi, nâng cấp dây chuyền công nghệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến theo các tiêu chuẩn của phân khúc thị trường cao cấp. Tỉnh cũng sẽ lồng ghép các chính sách hỗ trợ giúp các DN có điều kiện thay đổi dây chuyền, công nghệ để đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị.

Chủ động vùng nguyên liệu sạch, ổn định

Để thành lập được các DN chế biến sâu với công suất chế biến lớn đòi hỏi phải bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch và ổn định. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Thức nêu thực tế, năm 2019, năng suất chè đạt 74 tạ/ha, năm 2020 đạt 74 tạ/ha, nhưng năm 2021 ước chỉ đạt 73 tạ/ha. Như vậy, năng suất chè đang có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, Lai Châu chưa có nhiều vùng sản xuất hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.600/7.800ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, trong đó, nhiều diện tích thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hay ISO nhưng chưa được chứng nhận. Điều này khiến sản phẩm chè Lai Châu khó có thể chinh phục các thị trường khó tính. Đại biểu đề nghị, UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, phương án nâng cao năng suất, chất lượng chè trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong quy trình sản xuất nông nghiệp, những diện tích chè cho năng suất đạt ngưỡng kinh tế bắt đầu từ năm thứ 12 trở ra. Khi mở rộng diện tích trồng chè mới thì hết 3 năm đầu tư và năm thứ 4 thì hết thời gian kiến thiết cơ bản và đưa vào kinh doanh. Những năm đầu năng suất thu hái thấp, kéo theo năng suất bình quân toàn tỉnh thấp hơn năm trước. Khi diện tích chè ổn định, năng suất bình quân sẽ tăng dần hàng năm. Đối với việc xây dựng các vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ, tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ phân hữu cơ thay vì phân vô cơ như trước. Điều này đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, hướng người dân đến thói quen sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm yêu cầu của DN đầu tư và gắn với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải thẳng thắn nhận định: 1.600/7.800ha diện tích chè thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn; tỷ lệ chế biến sâu trên tổng sản phẩm mới đạt khoảng 5 - 7%; một số ít sản phẩm OCOP mới được công nhận… là những tỷ lệ rất thấp khiến giá trị kinh tế của sản phẩm chè Lai Châu chưa cao. "Để khắc phục vấn đề này, khi thực hiện được các giải pháp đồng bộ thu hút đầu tư vào chế biến sâu, tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng các vùng chè tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà đầu tư, gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể của họ. Như vậy, tỷ lệ diện tích chè thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, hữu cơ, VietGAP cũng sẽ được nâng lên”, ông Hải cho biết.

Đào Cảnh