Băn khoăn “trở tay không kịp” trước giờ mở bay quốc tế

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 06:24 - Chia sẻ
Từ ngày 1.1.2022 Việt Nam chính thức mở cửa bầu trời, kết nối với thế giới sau gần 2 năm đóng cửa. Mới đây, sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa yêu cầu các bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc để mở bay quốc tế. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, chuyện bay quốc tế sẽ vẫn đầy rẫy sự ách tắc, phiền toái, tốn kém!
Hình ảnh trái ngược sân bay Quốc tế Việt Nam (trái) và sân bay Quốc tế Thái Lan (phải)

Lo từ ứng dụng phòng dịch đến thủ tục bay 

Việc Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn khách nhập cảnh với quy định khách quốc tế đã tiêm 2 mũi vaccine, có xét nghiệm PCR âm tính được tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc khách sạn 3 ngày tuy còn mang tính "đặc trưng của Việt Nam" nhưng dù sao đây cũng là động thái cho thấy đã có chuyển biến. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ngành hàng không và khách bay đều trở tay không kịp khi mở bay quốc tế, có một số vấn đề cần phải được giải quyết gấp, rốt ráo.

Thứ nhất, đó là việc Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao cần thỏa thuận loại vaccine đã tiêm nào được cả hai bên chấp nhận. Tiếp đó, cần thống nhất mẫu chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine với cơ quan ngoại giao của 9 quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối mở bay quốc tế. Ở chiều trong nước, Bộ Y tế cần có mẫu chung chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine. Nhiều người đã tiêm vaccine, đã có giấy xác nhận của cơ sở y tế (Trạm Y tế, Trung tâm y tế, bệnh viện…), đã được cấp giấy chứng nhận tiêm với những mẫu khác nhau nhưng chưa được cập nhật hết lên ứng dụng (app) PC Covid. Vấn đề bây giờ là app PC Covid phải được cập nhật đầy đủ, kể cả các thông tin chuyên ngành hàng không và vận hành trơn tru, không để xảy ra lỗi.

Trong khi chưa giải quyết xong vấn đề công nghệ, điển hình là ứng dụng PC Covid vẫn chưa thôi dở chứng thì thách thức lớn lần này là ứng dụng phải được quốc tế hóa (cả ngôn ngữ - song ngữ, thông tin khai báo bắt buộc đối với ngành hàng không và của cơ quan y tế, ngoại giao hai nước…). Phương tiện để khai báo sẽ không được phép ‘độc quyền’ là app nữa mà còn cần phải có phiên bản Website và phương án dự phòng xử lý Online. Các hãng hàng không đều có hệ thống check in tiên tiến, nên cho phép khách khai báo và liên thông dữ liệu 2 chiều với PC Covid, nhất là các chuyến bay quốc tế. Nếu xảy ra lỗi như vừa qua, không chỉ khách bay, các cảng hàng không và các hãng hàng không bị làm khó mà uy tín của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ này, đơn vị quản lý vận hành app PC Covid phải chịu trách nhiệm và phải bị chế tài nếu để xảy ra treo, lỗi hoặc cập nhật chậm. 

Thứ hai, vấn đề quản lý di chuyển nội địa sau khi nhập cảnh phải cài ứng dụng nào cũng cần phải sớm thống nhất. Trong công văn hướng dẫn mới đây, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh phải cài ứng dụng PC Covid, trong khi chúng ta chưa từng test thử nghiệm nếu hàng ngày có hàng trăm ngàn lượt tải ứng dụng thì hệ thống có bị treo không. Được biết Bộ Công an đang có kế hoạch áp dụng ứng dụng Igo.vn để quản lý, giám sát di biến động của người nhập cảnh. Các Bộ cần có thống nhất, tránh gây bất nhất, phiền hà cho khách nhập cảnh.

Thứ ba, ở chiều nước ngoài, đề nghị Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán  hướng dẫn để kiều bào và khách ngoại quốc khai báo Online, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận vaccine cho khách mà không thu phí và không phải ‘xin’ chứng nhận.       

Thứ tư, việc chứng nhận xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay cần phải có mẫu chung, được các quốc gia thống nhất sử dụng và cũng cần phải Online.

Công bố lịch bay, chờ đến bao giờ?

Vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là Bộ GTVT cần sớm phân bổ số lượng chuyến bay trên từng đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt. Đến giờ này vẫn chưa phân bổ chuyến bay cho các hãng là quá chậm, vì các hãng cần cả tháng để chuẩn bị nhân sự, công bố lịch bay, tính toán mức giá vé và cũng để khách chủ động lên kế hoạch đi lại, đặt mua vé.

Chúng ta đã có bài học và phải trả giá vì chậm công bố, phân bổ số lượng chuyến bay cho các hãng hồi tháng 10 năm nay (khi mở bay thương mại nội địa định kỳ). Cận đến ngày bay Bộ GTVT mới phân bổ số lượng chuyến bay khiến hãng hàng không và khách bay đều ‘trở tay không kịp’. Điều đó dẫn đến nhiều chuyến bay đã bị hủy vì hãng không kịp chuẩn bị, khách bay cũng bị động. Hậu quả là tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ 30 - 50%, khiến các hãng hàng không vốn đang muôn phần khó khăn lại bị giáng thêm đòn đau.    

Đối với mở bay thương mại quốc tế định kỳ, công tác chuẩn bị phức tạp, mất thời gian hơn rất nhiều. Vì ở đây không chỉ là chuyện chuẩn bị của các hãng hàng không, ngành hàng không mà là chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan của hai nước và của chính phủ hai quốc gia.

Lần mở bay quốc tế này thực hiện theo nguyên tắc ‘có đi có lại’ hoặc ‘đối đẳng’ nên số chuyến bay của Việt Nam phải tương ứng với số chuyến của hãng bay nước ngoài được phép bay đến Việt Nam. Đó là chưa kể với một số nước, Việt Nam đang ở ‘chiếu dưới’ khi đàm phán mở bay quốc tế, vì dịch ở nước ta đang bùng phát. Không phải nước nào cũng muốn mở lại đường bay với Việt Nam vào thời điểm này.    

Như vậy có thể thấy là còn nhiều thủ tục cần phải giải quyết giữa Việt Nam và các nước. Nguy cơ ách tắc tại các cảng hàng không vì những vướng mắc về thủ tục, quy trình, cách thức phối hợp… là rất lớn. Hiện nay số chuyến được bay nội địa đã tăng và còn tăng tiếp trong dịp cao điểm từ tết dương lịch này. Cùng với đó, Việt Nam bắt đầu bay thương mại quốc tế định kỳ từ 1.1.2022. Số chuyến bay tăng cao, khách tập trung ở cảng hàng không rất lớn.

Nếu các bộ, ngành vẫn chậm trễ, vẫn đủng đỉnh phối hợp chệch choạc như vừa qua, nếu không gấp rút, rốt ráo, trách nhiệm, triệt để, hợp lý các quy trình, thủ tục liên quan đến phòng dịch, xuất nhập cảnh… thì ngành hàng không và khách bay sẽ ‘lĩnh đủ’ phiền thoái, tốn kém. Cảng hàng không quốc tế Việt sẽ rất dễ bị ùn ứ, tăng thêm nguy cơ lây nhiễm…

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống