Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng

- Thứ Tư, 30/09/2020, 16:52 - Chia sẻ
*Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự và phát biểu

Ngày 30.9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Chương trình gặp mặt “Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng”.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt

Tham dự có: nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu

Phát biểu tại Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, ngày 30.9.1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Ðảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Kể từ đây, ngày 30.9 là Ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương. Sự ra đời của Ban Kinh tế Trung ương là bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua các thời kỳ, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, nhiều chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình định hình, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Với những thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúc mừng những thành tích mà Ban Kinh tế Trung ương đã giành được, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, trong từng giai đoạn, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước.

Nêu bật bối cảnh tình hình trong giai đoạn mới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị: Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế - xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu

Ban cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, khoa học, hiệu quả; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị. Mỗi cán bộ Ban Kinh tế Trung ương không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, không suy thoái về đạo đức, lối sống, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để ảnh hưởng, tác động tới quá trình tham mưu chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực nâng cao trình độ lý luận, nắm bắt tri thức mới về kinh tế - xã hội, nêu cao trách nhiệm, liên tục đổi mới sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp.

Lâm Hiển - Hồng Điệp; Ảnh: Quang Khánh