Bản sắc văn hóa độc đáo của người Nam bộ

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 16:09 - Chia sẻ
Tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8, tháng 12.2013, UNESCO đã chính thức đưa đờn ca tài tử vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, đờn ca tài tử là một bản sắc văn hóa độc đáo của người Nam bộ.

Cuối thế kỷ XIX, nhã nhạc cung đình Huế bắt đầu ảnh hưởng vào phương Nam và được văn hóa Nam bộ dung hợp như bản chất vốn có của nền văn hóa này. Sự hội ngộ giữa hai nền âm nhạc đã cho ra đời cái gọi là đờn ca tài tử. Và từ đầu thế kỷ XX, nông dân miền sông nước Cửu Long bắt đầu biết đến thú tiêu dao bình dị nhưng rất hàn lâm này. Dù sinh ra và trưởng thành từ nơi thôn dã, nhưng đờn ca tài tử thật sự là một nghệ thuật mang tính hàn lâm. Không phải khi ca tài tử muốn ca thế nào thì ca, mà có khuôn phép, bài bản. Người ca phải ca đúng nhịp, đúng dây đờn; hiểu được nét tinh túy của các bài bản tài tử, bởi mỗi bài bản tài tử có ý thể hiện một tâm trạng cụ thể. Người ca tài tử được xem là đúng điệu không chỉ biết ca đúng nhịp, mà còn phải biết sử dụng giọng ca để thể hiện đúng tâm trạng, đúng cái thần mà bài bản đòi hỏi; tức là thể hiện tất cả những cung bậc tình cảm bằng giọng hát. Có thể nói, người ca tài tử là những nghệ sỹ nhà nghề chuyên trị về ca.

Theo Gs Trần Văn Khê, chữ tài tử trong đờn ca tài tử phải mang ý nghĩa của câu Dập dìu tài tử giai nhân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người ca tài tử là những bậc tài hoa, yêu thích nghệ thuật đờn ca Nam bộ, nhưng không lấy đó làm nghề sinh nhai, mà lấy đó là một đam mê, một thú tiêu khiển không thể thiếu và sẵn sàng sống hết mình với thú tiêu khiển đó. Tức là, người ca tài tử lấy sự ca để nuôi dưỡng tinh thần và cũng biết “chết sống” với nó.

Lê Phước